Ngày mai xử phúc thẩm "kỳ án vườn mít"

Sự kiện: Kỳ án vườn mít

Gọi là “kỳ án” bởi vụ án này tưởng chừng quá đơn giản đối với một Cơ quan CSÐT công an tỉnh, thế nhưng suốt 9 năm trời, vụ án này đã rơi vào nhiều tình thế “bất đồng” của các cơ quan tố tụng. 2 lần bị tuyên án “tử hình”, 1 lần “vô tội”, 1 lần “tù chung thân”… vậy mà vụ án vẫn chưa kết thúc. Theo lịch xét xử, ngày mai (6.5), phiên phúc thẩm lần thứ 4 sẽ diễn ra.

2 lần “án tử”

Dự kiến theo lịch của TAND Tối cao tại TPHCM, kỳ án “vườn mít” Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa, tạm trú xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) về tội “giết người và hiếp dâm trẻ em” sẽ đưa ra xét xử vào thứ hai, ngày 6.5.2013. Ðây là phiên xử phúc thẩm lần thứ 4, vụ án kéo dài suốt 9 năm qua, nhưng chưa có hồi kết!

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước, vào sáng 12.11.2004, Lê Bá Mai, là người làm thuê cho một trang trại, nhìn thấy bé Út (11 tuổi, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) và chị họ đang mót củ mì (sắn) gần nơi Mai làm rẫy thuê cho một chủ trang trại khoảng 50m, nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai dùng xe gắn máy chạy đến rủ Út vào khu vườn mít (do vậy vụ án có tên là vụ án “vườn mít”) ở gần đó, Mai dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh rồi hiếp dâm. Thực hiện xong hành vi đồi bại, Mai thấy Út vẫn còn sống, sợ bị Út tố cáo nên Mai lấy quần của nạn nhân siết cổ cho đến chết, nhằm giết người bịt đầu mối. Biết Út đã chết, Mai vùi xác vào ốc cây mít và trở về chòi tắm rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra.

Ngày mai xử phúc thẩm "kỳ án vườn mít" - 1

Bố mẹ nạn nhân nhân Út, suốt 9 năm qua vẫn chưa biết ai là hung thủ hiếp, giết con gái của họ

Ðến ngày 16.11.2004, gia đình của Út phát hiện thi thể nạn nhân trong vườn mít, thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân, trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy. Mai bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Ngày 16.3.2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án hình sự sơ thẩm ra xét xử và tuyên án “tử hình” bị cáo Lê Bá Mai về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Bị cáo kháng cáo, ngày 4.8.2005, TAND Tối cao tại TPHCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “vườn mít” và “tuyên giữ nguyên án tử hình” đối với bị cáo Mai cũng về 2 tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

Từ “tử hình” đến “vô tội” và được trả tự do ngay tại tòa

Vụ án tưởng chừng đã có hồi kết, nhưng ngày 12.12.2006, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án là sơ thẩm và phúc tẩm, với lý do “chưa có căn cứ vững chắc” và “có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra vụ án, thiếu sót trong vệc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ”. Ðến ngày 5.2.2007, Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM, giao vụ án điều tra lại từ đầu theo quy định pháp luật.

Ngày mai xử phúc thẩm "kỳ án vườn mít" - 2

Bố của bị cáo Mai phập phồng lo lắng cho số phận con trai ông! Ảnh: Phùng Bắc

Vụ án tiếp tục kéo dài nhiều năm, cho đến khi Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại vụ án, chuyển kết luận điều tra hầu như không có gì mới so với kết luận trước, sang Viện KSND tỉnh Bình Phước. Ðến tháng 7.2010, TAND tỉnh Bình Phước đã đưa ra xử sơ thẩm vụ án này lần thứ 2. Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Bình Phước đã quyết định trả hồ sơ để Cơ quan CSÐT điều tra bổ sung, trong khi đó Viện KSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Thế là lại mất thêm một năm trời nữa, đến ngày 18.5.2011, TAND tỉnh Bình Phước lại đưa ra xét xử sơ thẩm và được xem là lần xét xử sơ thẩm lần thứ 3 kỳ án “vườn mít”.

Điều bất ngờ là tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 3 này, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo Lê Bá Mai không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa. Lúc đó, gia đình của Mai vui mừng khôn tả, còn bố mẹ của nạn nhân Út thì hoang mang, con họ thì bị hiếp, giết, Mai “vô tội”, vậy ai là hung thủ? Trong khi đó, tại 2 phiên tòa sơ và phúc thẩm lần thứ 1, Mai thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước truy tố. Nhưng đến phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3 và đến các phiên tòa sau này, Mai đều nói: “Bị cáo không nhớ, bị cáo không giết người…”.

Trở lại trại giam

Sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3, Mai được trả tự do, nhưng niềm vui đó không được bao lâu, bởi vào giữa tháng 6.2011, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước đã ký Quyết định kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng “hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần thứ 3 của TAND tỉnh Bình Phước để xét xử lại, theo hướng bị cáo Lê Bá Mai phạm 2 tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” như Viện KSND tỉnh Bình Phước đã truy tố”. Thế là ngay sau đó, TAND Tối cao tại TPHCM đã ra quyết định bắt giữ Mai trở lại trại tạm giam nhằm đảm bảo cho việc xét xử. Ngày 18.5.2012, Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Bình Phước đã thực hiện lệnh bắt tạm giam trở lại đối với Lê Bá Mai, theo yêu cầu của Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM.

Ðến ngày 3.1.2013, phiên tòa hình sự sơ thẩm lần này là đến lần thứ 4 xét xử bị cáo Lê Bá Mai trong kỳ án “vườn mít” đã diễn ra tại TAND tỉnh Bình Phước. Phiên tòa xét xử kéo dài trong ba ngày, từ 3 đến ngày 5.1.2013, tòa tuyên án bị cáo Lê Bá Mai tù “chung thân”, tổng hợp 2 tội danh “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Bị cáo Mai phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Út là hơn 81 triệu đồng. Theo phiên tòa này, thì bị cáo Lê Bá Mai lãnh 18 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”, tù “chung thân” về tội “giết người”, tổng cộng hình phạt là “tù chung thân”.

Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm lần thứ 4, tuyên án tù “chung thân” đối với Mai, ngày 16.1.2013, VKSND tỉnh Bình Phước đã ra Quyết định kháng nghị số 01/QÐ-KNPT-P1A kháng nghị bản án sơ thẩm số 6/2013/HSST ngày 5.1.2013 của TAND tỉnh Bình Phước về việc tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai mức án “chung thân”. VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng, tòa tuyên bị cáo Mai tù “chung thân” về tội “giết người” là chưa đủ sức răn đe, vì Mai đã thực hiện cùng lúc phạm 2 tội, đặc biệt nạn nhân là trẻ em. Tại tòa, Mai vẫn quanh co chối tội, không thành khẩn. Do vậy, VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị lên TAND Tối cao tại TPHCM theo hướng “tử hình” bị cáo Mai về tội “giết người”.

Cũng theo kháng nghị này, căn cứ vào điểm 1, khoản 2 Ðiều 36, Ðiều 232 Bộ luật tố tụng hình sự, VKSND tỉnh Bình Phướcc cho rằng, việc tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai mức án “chung thân” về tội “giết người” là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Không đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. VKSND tỉnh Bình Phước còn cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Lê Bá Mai xét về tính chất, mức độ là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo thực hiện hành vi “giết người” với nhiều tình tăng nặng định khung như giết trẻ em, giết người để che dấu mình phạm tội khác đó là “hiếp dâm”.

Vụ án lại “trường kỳ” xét xử, và như dự kiến của TAND Tối cao tại TPHCM, thì vào ngày 6.5.2013 tới đây, phiên xét xử phúc thẩm lần thứ 4 sẽ diễn ra. Dư luận đang rất “sốt ruột”, và hình phạt nào đang đợi Lê Bá Mai: Tử hình, chung thân hay vô tội?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phùng Bắc (Lao động)
Kỳ án vườn mít Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN