Người chuyển giới, đồng tính có được giam giữ buồng riêng?

Trước khi Quốc hội ấn nút thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị luật phải quy định rõ những đối tượng đặc biệt phải được giam giữ ở buồng riêng.

Chiều 25.11, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Một trong những quy định đáng chú ý ở ở khoản 4 Điều 18 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là người bị tạm giữ, người bị tạm giam dưới đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng: Người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định, đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

Người chuyển giới, đồng tính có được giam giữ buồng riêng? - 1

Ảnh minh họa.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ cụm từ “có thể” để bảo đảm những đối tượng này phải được giam giữ ở buồng riêng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 đã được giam giữ tại các khu riêng theo sự phân loại. Khoản 4 quy định về giam giữ tại buồng riêng, theo đó không phải tất cả đối tượng quy định tại khoản này bên cạnh việc giam giữ tại khu riêng đều phải giam ở buồng riêng trong mọi trường hợp.

"Căn cứ vào tình hình, mức độ cụ thể của đối tượng và điều kiện thực tế mà người đứng đầu cơ sở giam giữ cân nhắc để quyết định giam giữ ở buồng riêng hay không" - ông Nguyễn Văn Hiện cho biết. Như vậy, đề xuất trên không được chấp nhận.

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo luật cân nhắc là biện pháp kỷ luật “cùm một chân”, vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ. Quy đinh này là phù hợp và  không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên" - ông Hiện khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Lương ([Tên nguồn])
Đồng tính - Chuyển giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN