“Mẹ tha lỗi cho con rồi”…

Bà chỉ xin cho kẻ giết con mình được sống vì "tại số mình nó thế".

Người mẹ của nạn nhân, cũng là mẹ vợ của bị cáo, buồn bã trả lời: “Con gái tôi mất rồi. Bây giờ thằng Tiền có chết để đền tội thì con tôi cũng đâu có sống lại được. Thôi thì xin cho nó sống, biết đâu lỡ mai mình chết, nhờ đó mà mình sống được thêm vài năm”...

Cái suy nghĩ quá đơn giản ấy làm cho những người dự tòa như tôi phải thổn thức trước một phụ nữ hom hem, đen đúa, già nua so với tuổi 50. Chồng mới mất được một năm, chuẩn bị tới ngày giỗ thì bà nghe tin con gái bị chồng sát hại. Xử sơ thẩm ở TAND tỉnh Long An, rồi lần này xử phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, bà đã tốn tổng cộng gần 1 triệu đồng để đón xe ôm, xe đò từ Tiền Giang lên, đồng nghĩa với số tiền bà dành dụm để điều trị căn bệnh tiểu đường cũng vơi dần.

Theo hồ sơ, con gái bà về sống chung với Huỳnh Tấn Tiền khi chỉ mới hơn 16 tuổi. Thời gian đầu Tiền làm thợ hồ, con gái bà bán quán cà phê. Khi con gái bà đi làm công nhân, Tiền nghi vợ ngoại tình nên cả hai thường xuyên cự cãi nhau. Đến ngày 18-9-2011, con gái bà xin chồng đi làm ở Bình Dương nhưng Tiền không chịu. Đêm đó đợi con gái bà ngủ say, Tiền đã dùng dây thừng thắt cổ nạn nhân rồi định tự tử nhưng không thành.

Bà bảo cáo trạng ghi con bà ngoại tình nên bị cáo mới phạm tội. Bà phân trần: “Con tôi nó hiền lắm. Hàng xóm ai cũng thương. Nếu nó ngoại tình thì phải có chứng cứ chứ. Mà bà sui cũng kỳ. Con dâu chết, chỉ đưa cho tôi 5 triệu đồng ôm xác về muốn làm gì thì làm”. Thế nhưng mặc cho con rể có cướp đi đứa con gái ngoan hay bên sui thờ ơ, bà vẫn không quá nặng lòng vì điều đó. Hai lần bà đều đến tòa chỉ để xin cho đứa con rể được sống vì “tại số con mình, số mình nó như vậy”.

Trước tấm lòng của bà, đại diện VKS đã đề nghị tòa phúc thẩm giảm án cho bị cáo từ tử hình xuống tù chung thân. Sau giờ nghị án, tòa xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, mẹ của nạn nhân tha thiết xin giảm án nên đã sửa án sơ thẩm như đề nghị của VKS.

Tòa vừa tuyên xong, Tiền vội chụp lấy micro để xin nói lời sau cùng nhưng không được chấp nhận. Tiền quay xuống nhìn bà như muốn nói điều gì nhưng bà đâu có để ý vì bên cạnh bà có rất nhiều người đang quây lại chia sẻ. Bị dẫn giải ra khỏi phòng xử án, bất chợt Tiền dừng lại bên khung cửa sổ nơi bà đang ngồi, đôi chân như chết chôn một chỗ: “Mẹ ơi”... Bà bỏ dép, chạy vội ra cửa sổ. Dồn hết sức lực như bị kìm nén bao lâu, Tiền nói thật to như sợ bà không nghe rõ: “Mẹ ơi, cho con xin lỗi”.

Nhoài người ra khỏi khung cửa sổ nơi đang ngăn cách họ, bà chỉ kịp nói thật nhanh, thật to trước khi Tiền bị cảnh sát dẫn giải đẩy đi: “Mẹ tha lỗi cho con rồi!”. Rồi nước mắt bà cứ thế tuôn trào trên gò má sạm nắng sương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGÂN NGA ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN