Mang thân phận bị can 21 năm

Sự kiện: Tin pháp luật

Sau 21 năm mang thân phận bị can về tội “hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”, dù được minh oan, ông Phan Văn Lá (49 tuổi, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vẫn bị không ít người đời ghẻ lạnh vì nghĩ ông chỉ là mãn hạn tù về.

Mang thân phận bị can 21 năm - 1

Hằng ngày, hai vợ chồng ông Lá đầu tắt mặt tối với đám rẫy trên đất thuê để mong đủ sống qua ngày. Ảnh: Việt Văn

Tai bay vạ gió

Thấy có người ghé thăm, ông Lá cùng vợ tưới nước dưới rẫy trồng rau thơm dừng công việc. Ngồi bệt bên bờ ruộng, ông kể lại câu chuyện năm xưa bị bắt oan một cách rành mạch.

Khoảng 22h tối 21/7/1991, hai đứa em trai của ông là Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan Văn Châu (13 tuổi) rủ nhau dùng điện (ắc qui) rà cá ngoài đồng. Khi rà đến khu ruộng ở ấp 1, xã Hiệp Thành thì bất ngờ nghe tiếng “bắt trộm bà con ơi...” gần đó vọng về phía mình. Sợ hãi, hai người cắm đầu cắm cổ chạy. Qua truy đuổi, Tân và Châu bị nhóm người này bắt giao cho công an xã với tội “cắt trộm dây điện”.

Sáng hôm sau chính quyền sở tại mời ông Lá lên làm việc, họ cho rằng ông là người chủ mưu trong vụ trộm trên. “Khi lên công an xã, tui mới biết là hai đứa em khai tui “đạo diễn” trong việc đi ăn cắp dây điện. Năm ngày sau, công an huyện Châu Thành khởi tố, tạm giam tui để điều tra về tội “hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau đó, VKSND huyện truy tố tui về tội danh này. Mỗi lần cán bộ hỏi cung, tui không thừa nhận tội và luôn kêu oan nhưng họ không chấp nhận”, ông Lá nhớ lại.

Điều đáng nói là 2 tháng bị tạm giam, Tân và Châu được cho tại ngoại, VKSND huyện có quyết định đình chỉ điều tra bị can, bởi không đủ cơ sở buộc tội hai người này, nhưng riêng ông Lá bị TAND huyện đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 28/12/1991.

Tại phiên tòa, Tân và Châu khai rằng, khi hai người đang rà cá dưới mương, bất ngờ người dân truy hô “bắt trộm...” nên hoảng sợ bỏ chạy chứ không có việc hai anh em rủ nhau đi trộm. Cả hai khai bừa anh mình chủ mưu vì bị điều tra viên bức cung, nhục hình, họ cũng phải khai theo hướng dẫn là “ba người cùng tham gia trộm”. Còn ông Lá khẳng định mình bị oan, tối hôm đó ông ở nhà với vợ con... nhưng TAND huyện Châu Thành vẫn buộc tội, tuyên phạt ông 4 năm tù.

Gần 2 năm tạm giam, Tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả toàn bộ hồ sơ để điều tra. Điều đáng nói, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An tiếp tục có lệnh tạm giam ông thêm hai tháng, sau đó VKSND cùng cấp quyết định hủy bỏ việc tạm giam, cho ông được tại ngoại.

Sau 21 năm được tại ngoại, ông Lá đến gõ cữa, gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng không cơ quan nào đứng ra giải quyết vụ việc. Ngày 23/9/2015, ông Lá được Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An bất ngờ tổ chức xin lỗi ông sau hơn 2 thập kỷ về tội “Hủy hoại tài sản XHCN”. Tại đây, ông được bồi thường gần 300 triệu đồng tiền tổn thất.

“Từ lúc tui bị bắt giam đến khi được tại ngoại và trên hành trình 21 năm đi kêu cứu, gia đình tui bán hết tài sản, vay mượn người thân, bạn bè với số tiền gấp chục lần số tiền được bồi thường. Tuy quyền công dân được trả lại, nhưng tui phải làm lại từ đầu, xuất phát từ con số không”, ông Lá ngậm ngùi.

Không ai dám thuê người từng ở tù

Ngồi bên bờ ruộng sình lầy, bà Lương Thị Mười (53 tuổi, vợ ông Lá) thở dài cho biết số tiền bồi thường hai vợ chồng mang đi trả nợ, không có vốn làm ăn nên thuê 3 công đất để trồng rau thơm.

Chỉ tay về những vườn thanh long đang lúp búp ra hoa gần đó, bà Mười nói: “Công đất đang trồng thanh long bên kia là của gia đình ngày trước bán lại để lấy tiền đi kêu oan cho anh Lá. Bao năm họ không tốn tiền làm lộ phí đi kêu oan như mình. Ngần ấy năm trời họ dành dụm có vốn đầu tư làm ăn lớn, còn mình hai bàn tay trắng làm lại từ đầu. Mỗi ngày cắt dăm ba gánh rau thơm ra chợ bán đủ mua gạo sống qua ngày. Đời oan nghiệt quá chú ơi!”.

Ông Lá ngậm ngùi: “Suốt gần 21 năm trời, tui sống trong thân phận bị can. Họ thả tui ra như vậy rồi để im không thấy họ làm gì tiếp theo để tui được minh oan. Lúc mới về nhà, hàng xóm đâu hay biết tui vô tội, mà chỉ nghĩ tui được mãn hạn tù thả ra. Đi đâu, hàng xóm láng giềng đều né tránh. Thậm chí bây giờ muốn làm ăn cũng không ai dám thuê mướn vì sợ mình là thằng ở tù ra”.

Dù sức khỏe ông đã giảm sút đi rất nhiều so với trước khi vào trại giam, ông vẫn cố gắng cày cuốc để lo cho gia đình. Ở nhà, hai vợ chồng lụi cụi ngoài rẫy để có cái ăn cái mặc khi tết sắp đến nơi. Mắt ông bị hư hết một con bên trái, đi đêm rất khó nhưng ông nói phải đi thăm chừng cái rẫy vì sợ bị người lạ vô trộm.       

           ___________

  (Còn nữa)

Chiều muộn, ông Lá ghé qua nhà mẹ ruột của mình thăm hỏi bệnh tình. Thấy bóng dáng ông, cụ Nguyễn Thị Bé (78 tuổi) nói vọng ra: “Lá, hai vợ chồng mày với tụi nhỏ tắm rửa xong thì qua đây ăn cháo gà tẩm bổ”. Cụ Bé bảo, thằng Lá đi tù, khoác áo bị can oan ức đã đành, nhưng tiếng xấu của  miệng đời còn ghê gớm hơn, khiến cả chục con người trong gia đình phải chịu trận. Vì những lời dị nghị hàng xóm, mặc cảm với bạn bè mà mấy đứa con của thằng Lá có đứa nào học hành đến nơi đến chốn đâu”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Đình - Văn Minh (Tiền Phong)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN