Luật sư kể về bàn tay lạnh của Lê Văn Luyện

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4Kỳ mới nhất

Người ta gọi Lê Văn Luyện là “sát thủ máu lạnh”. Luật sư bào chữa cho hắn cũng thừa nhận bàn tay Luyện lạnh như băng.

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Số 1 Bắc Giang, người bào chữa cho Lê Văn Luyện, vẫn nhớ cảm giác khi chạm vào bàn tay sát thủ. Đó là những lần bắt tay tạm biệt sau khi ông vào trại giam lấy lời khai của hắn. Vị luật sư vẫn có thói quen vỗ vai hay bắt tay chào thân chủ của mình trước khi ra về.

Bàn tay của kẻ máu lạnh

Thoáng gặp Luyện, luật sư Nguyễn Bá Ngọc không ngờ hắn là một thanh niên trắng trẻo thư sinh như vậy. Nhìn chàng trai khôi ngô trước mặt mình, ông không thể tin nổi đây là kẻ gây ra vụ thảm án tại phố Sàn (Bắc Giang) cách đó không lâu. Nhưng khi lại gần, giáp mặt Luyện, ông mới cảm thấy ớn lạnh. Ông không dám nhìn lâu vào mặt Luyện, đặc biệt là đôi mắt.

Luật sư Ngọc bảo ông từng đọc qua nhiều sách về nhân tướng học nên biết, người có đôi mắt như mắt của Luyện (trắng dã, lòng đen co vào rất nhỏ ở giữa) là tướng sát nhân. Quả thật, Luyện không những sát nhân mà còn là kẻ sát nhân máu lạnh. Không máu lạnh sao dám vung dao giết cả gia đình trong một đêm. Và khi ngồi trước mặt luật sư, kể lại hành trình gây án, hắn vẫn luôn giữ vẻ trầm ổn đáng sợ.

Luật sư kể về bàn tay lạnh của Lê Văn Luyện - 1

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Số 1 Bắc Giang

Hiếm có kẻ giết người nào luật sư Ngọc từng tiếp xúc lại bình tĩnh, trầm ổn như Lê Văn Luyện. Những kẻ phạm tội dã man đến đâu, khi vào trại giam cũng luôn cúi đầu. Có kẻ tỏ ra hối hận, có kẻ lắp bắp không thành câu. Có người kể chuyện mình phạm tội với sự rụt rè, run sợ. Có kẻ kể chuyện chém giết với sự phấn khích. Còn Lê Văn Luyện kể chuyện thảm sát cả gia đình mà trên mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào.

Hắn luôn ngẩng đầu, nhìn thẳng, trả lời dõng dạc. Luật sư hỏi gì, hắn trả lời nấy. Hắn không e ngại. Luật sư không hỏi, hắn cũng kể. Hắn kể rành rọt quá trình phạm tội. Những chi tiết không cần có trong hồ sơ vụ án, Luyện cũng nhớ kể. Hắn kể cho luật sư nghe mình đã làm gì giết thời gian trong buổi chiều chờ đến khi trời tối để ra tay. Luyện đã ra ngồi trên hòn đá cạnh đường tàu rồi quanh quẩn qua lại...

Luật sư Ngọc còn nhớ, hồi đó là mùa thu, trời vẫn khá nóng. Sau cuộc nói chuyện, ông bắt tay Luyện chào ra về. Vừa chạm vào bàn tay của Luyện, ông giật mình. Ông không ngờ, bàn tay của hắn lại lạnh đến vậy. Cái lạnh không phải của người bị bệnh phong thấp, cũng không phải của bàn tay mới ngâm trong nước đá. Đó là cái lạnh tựa bàn tay người chết. Cái lạnh có lẽ đúng như người ta nói - “máu lạnh”.

Lần sau bắt tay hắn, luật sư hỏi vì sao tay lạnh thế, Luyện chỉ khẽ nhếch môi bởi chính hắn cũng không biết tại sao.

Đắn đo nhận bào chữa cho Luyện

Theo LS Nguyễn Bá Ngọc, Lê Văn Luyện không mời luật sư bào chữa mà do tòa chỉ định. Lúc nhận lời bào chữa cho Luyện, LS Ngọc cũng có chút đắn đo. Ông nghĩ, kẻ mang tội giết 3 người trong đêm ở một khu phố quả là điều đáng sợ, nhưng nếu mình không nhận lời thì người khác cũng phải làm.

Luật sư kể về bàn tay lạnh của Lê Văn Luyện - 2

Gương mặt của Lê Văn Luyện tại phiên sơ thẩm.

Đã có kinh nghiệm đi tòa nhiều năm nên vị luật sư biết. Những phiên tòa kiểu này không nóng trên bục thẩm phán hay trên ghế luật sư mà nóng ở ngoài cửa. Cảnh tượng người nhà đeo khăn tang, mang di ảnh, hương khói đến tòa vẫn luôn là điều ám ảnh nhiều luật sư. Tiếng la ó, đe dọa vẫn là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhiều lần ngồi tòa, trống ngực luật sư đập thình thịch. Tan phiên xử, luật sư không dám ra về ngay mà phải đợi một lúc cho đoàn người đi hết.

Nhưng rốt cuộc, phiên tòa Lê Văn Luyện ít đáng sợ hơn nhiều vụ khác. Báo chí, công luận quan tâm nhiều đến vụ án này nên cảnh sát được bố trí dày đặc tại tòa. Từng bào chữa cho nhiều bị cáo kiểu này, luật sư Ngọc biết phải làm gì. Trước khi bào chữa, ông quay xuống nói lời chia buồn với gia đình nạn nhân, những người đang mang vẻ mặt căm phẫn tại công đường.

Luật sư cất tiếng dõng dạc: “... Tôi hiểu nỗi đau của gia đình nạn nhân. Tội ác của Lê Văn Luyện là quá ghê gớm. Nhưng tôi không nhận lời bào chữa, luật sư khác cũng phải làm... Và họ cũng sẽ phải làm như tôi...”.

Ông Ngọc biết rằng, luật sư phải cố gắng hết sức, tìm những tình tiết có lợi nhất để bảo vệ thân chủ. Nhưng với Lê Văn Luyện, những tình tiết để bào chữa cho hắn quá ít. Khi mới tiếp xúc lần đầu, luật sư đã nói cho hắn rõ, tội của hắn chỉ phải chịu mức phạt 18 năm tù là cao nhất. Đó là thứ có lợi nhất cho hắn. Ngoài ra, hắn không có tình tiết nào để xem xét trừ phi có kẻ đồng lõa. Hắn nghe xong cũng chẳng nói gì bởi hắn biết mọi việc hắn làm đã quá rõ ràng. Hắn cũng không chối bỏ việc mình làm.

Hắn chỉ thú nhận với vị luật sư là không hề muốn giết đứa bé 18 tháng tuổi. Nhưng lúc hắn giằng co, giết hại anh Ngọc, chị Chín, đứa bé đã khóc ré lên, sợ bị lộ hắn quát: “Im!”, đứa bé lập tức nín bặt. Khi hắn vào nhà vệ sinh rửa mặt mũi, tay chân dính máu, đứa bé lại cất tiếng khóc lớn. Lần thứ 2 hắn quát, đứa bé tiếp tục khóc to hơn nên hắn đã tàn nhẫn cầm dao sát hại cháu bé.

Đến nay, nhớ lại tình tiết Lê Văn Luyện nhẫn tâm sát hại đứa bé 18 tháng tuổi nhiều người vẫn nổi da gà. Kể cả luật sư Ngọc, lúc đó ông nghĩ, không biết có nên tiếp tục bào chữa cho hắn hay không.

Nhưng theo vị luật sư, bản chất máu lạnh của Lê Văn Luyện thể hiện rõ nhất là khi hắn gây án xong. Nhiều kẻ giết người gây án là do bị kích động hoặc thần kinh mất kiểm soát. Khi nhận ra, người ta sẽ thấy run sợ, tìm cách lẩn trốn. Còn Luyện, hắn không run, cũng không tìm cách trốn thoát ngay. Hắn không việc gì phải vội mà vào nhà vệ sinh rửa mặt mũi, chân tay, rồi thản nhiên bước đi qua những xác chết vấy máu khắp sàn, mở tủ lạnh lấy nước uống.

Lấy vàng xong xuôi, hắn định đi ra bằng lối sau nhưng lúc này trời đã sáng, học sinh của trường học bên cạnh đã lũ lượt kéo nhau tới lớp. Luyện đành quay vào, tiếp tục lấy nước uống ngồi đợi chờ giữa những xác chết.

Rồi hắn gọi điện cho Trương Thanh Hồng đến. Khi này, học sinh đã vào học, đường phố im ắng, Luyện nhảy ra xe Hồng đang đợi rồi biến mất.

Luyện vẫn luôn bình thản kể lại câu chuyện nhiều lần cho luật sư nghe, kể một cách hồn nhiên, không biểu lộ cảm xúc. Có lần, hắn kể cho luật sư nghe chuyện về gia đình mình, kể chuyện yêu đương. Và những khi đó, khuôn mặt hắn cũng không biểu lộ nhiều cảm xúc. Hình như mọi thứ đi qua đời kẻ sát nhân Lê Văn Luyện đều không có ý nghĩa gì với hắn.

Lê Văn Luyện (SN 1993, ở xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là kẻ đã gây ra vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích (ở phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 24/8/2011. 

Lê Văn Luyện đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái nhỏ 18 tháng tuổi. Con gái lớn của họ mới 8 tuổi bị chém đứt tay. Hắn phá tủ kính của tiệm lấy tổng số vàng ước chừng hơn 200 chỉ vàng ta, hơn 150 chỉ vàng tây.

Sát thủ bị bắt vào ngày 31/8/2011, sau 6 ngày lẩn trốn. Lê Văn Luyện sa lưới tại khu vực biên giới ở huyện Lạng Sơn khi đang tìm đường chạy trốn sang Trung Quốc. Hắn cũng đã kéo theo bố đẻ và một số người thân họ hàng vào vòng lao lý.

Khi phạm tội, Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi. Trong phiên phúc thẩm, TAND tối cao tại Bắc Giang đã tuyên Lê Văn Luyện 18 năm tù tội giết người, 18 năm tù tội cướp tài sản, 9 tháng tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định luật pháp của Việt Nam đối với tội phạm chưa thành niên, Lê Văn Luyện chỉ phải nhận mức án 18 năm tù.

Đón đọc Kỳ 2: Tuổi thơ của "sát thủ thuốc nổ" ở Bắc Ninh trong loạt bài Gặp luật sư trong các vụ án chấn động vào 10h ngày 29/10/2013.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Gặp luật sư trong các vụ án chấn động Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN