Kỹ năng sinh tồn khi có tội phạm đột nhập

Sự kiện: Tin pháp luật

Hàng loạt các vụ thảm án xảy ra thời gian qua trên địa bàn cả nước, hung thủ nhẫn tâm sát hại nhiều người… Gần đây nhất, tại Quảng Ninh xảy ra vụ thảm sát 4 người ngày 24.9 gây bàng hoàng dư luận. Thủ phạm những vụ án này đều là “đầu trộm đuôi cướp”…

Kỹ năng sinh tồn khi có tội phạm đột nhập - 1

Ngôi nhà xảy ra vụ thảm án ở Quảng Ninh

Tính mạng quý hơn tài sản 

Theo trung tá, thạc sĩ Đào Trung Hiếu, nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội, với việc phát hiện ra trộm đột nhập thì có tình huống xảy ra như sau: Nếu ở vùng nông thôn, khuôn viên nhà rộng khi nghe thấy tiếng động có thể là trộm thì tuyệt đối không nên ra ngoài xem xét. Cách tốt nhất là áp tai xuống đất nghe ngóng, theo dõi qua khe cửa, sau đó bật hệ thống điện nội bộ sáng lên và báo công an.

Nếu nhà thuộc đô thị, khi đi vắng về thấy trong nhà có người tuyệt đối không bước vào sâu, vì lúc đó đối tượng có thể đánh, cướp, giết chủ nhà ngay. Việc đầu tiên là bật sáng điện và gọi người xung quanh cùng vào kiểm tra. Trong tình huống nếu đi vào trong nhà mới phát hiện có người thì đừng dại dột la hét. Nếu có thể thì cần phải đóng vai ngay là một người khách lạ đến chơi thì đối tượng sẽ không tấn công và có cơ hội thoát ra ngoài an toàn.

Theo trung tá Hiếu, nếu có phòng an toàn, cửa chắc chắn, cần nhanh chóng, bí mật đưa mọi người vào trong và khóa cửa lại, bật điện sáng, báo công an. Trong tình huống một mình ở nhà thì tảng lờ coi như ngủ say. Nếu đối tượng bắt đưa tài sản thì cách ứng xử khôn ngoan nhất là ngoan ngoãn thực hiện theo yêu cầu, không được manh động tri hô, la hét.

“Khi đột nhập vào nhà thì việc đầu tiên tội phạm quan tâm là tài sản chứ không phải là mạng sống con người. Tuy nhiên, đối tượng tội phạm rất sợ bị bắt giữ, bị xử lý,… Ẩn sâu trong tâm lý tội phạm là nỗi sợ bị phát hiện, bị đi tù. Nếu chủ nhà không biết cách ứng xử, tri hô, la hét, lao vào ôm, vật lộn,… vô hình trung đã kích hoạt nỗi sợ đó và theo bản năng tự vệ, nỗi sợ sẽ biến thành hành động chống trả. Những đối tượng đều mang theo vũ khí như dao nhọn và tấn công lại người bắt giữ và hậu quả xảy ra án mạng” - trung tá Hiếu nói.

Trung tá Hiếu cũng lưu ý đến trường hợp cướp là người quen biết, thì nếu bị phát hiện tội phạm sẽ giết chủ nhà để bịt đầu mối. Vậy nên chúng phải chống trả quyết liệt bằng tất cả khả năng của mình và bằng các vật dụng trong nhà để thoát thân. “Khi phát hiện vụ đột nhập, ưu tiên bảo vệ đầu tiên là mạng sống chứ không phải tài sản. Vì tội phạm chỉ nghĩ đến tài sản, khi thỏa mãn thì sẽ bỏ đi” - trung tá Hiếu chia sẻ.

Tại sao hung thủ các vụ thảm án ra tay tàn độc?

Theo TS Đoàn Văn Báu, Phó trưởng khoa Tâm lý (Đại học An ninh nhân dân), động cơ gây án, tính chất vụ việc khác nhau nhưng điểm chung là hung thủ thực hiện các vụ thảm án đều ra tay rất tàn độc, “đuổi cùng, giết tận”.

Điểm chung của các vụ việc hung thủ đều là người quen biết với nạn nhân nên muốn giết người diệt khẩu hoặc để không bị trả thù sau này. Một lý do khác thuộc về yếu tố xã hội có thể là yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của hung thủ. Gần đây xảy ra nhiều vụ thảm án, phương tiện truyền thông liên tục đưa tin đã tạo nên hiện tượng “ám thị xã hội”. Vì vậy, khi thực hiện hành vi giết người, hung thủ thường bị tác động một cách vô thức, thường suy nghĩ đã có nhiều người giết nhiều người, nhiều người giết trẻ em nên ảnh hưởng thúc đẩy hành vi phạm tội tàn độc của hung thủ.

“Mỗi người dân cần phải trang bị những kỹ năng phòng chống tội phạm, nâng cao ý thức phòng chống tội phạm như: không nên phô trương sự giàu có; cẩn trọng kiểm tra cửa ra vào, những vị trí có thể đột nhập, góc khuất có thể ẩn nấp… Bên cạnh đó, cần phải rèn luyện kỹ năng kiềm chế cảm xúc khi xảy ra những tình huống mâu thuẫn, va chạm, tránh kích động đối tượng gây ra những hành vi bột phát, nguy hiểm”- TS Đoàn Văn Báu chia sẻ.

Khi tiếp xúc với trộm, đừng cố tỏ ra ghi nhớ đặc điểm của chúng hay đe dọa báo công an. Mà đợi sau khi đối tượng bỏ đi mới trình báo cơ quan công an, và trong quá trình tiếp xúc cố gắng khéo léo, quan sát, ghi nhận đặc điểm của đối tượng như số lượng người, tuổi tác, đặc điểm nhận dạng, chiều cao, màu da, xăm trổ, giọng nói,… để phục vụ việc trình báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hà (Tiền phong)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN