Kiện đòi 1 tỷ cho 1.062 ngày bị giam oan

Chứng cứ rất yếu nhưng các cơ quan tố tụng Cà Mau vẫn bắt tạm giam, khởi tố, truy tố, kết án, cuối cùng phải đình chỉ vì không đủ căn cứ chứng minh bị can phạm tội...

“Tôi chỉ mong tìm lại lẽ công bằng", anh Trần Hồng Nguyên (người đang khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau bồi thường oan) bộc bạch với chúng tôi.
Nóng vội khởi tố, bắt giam

Nguyên kể trong bức xúc: “Trước năm 2011, tôi có một gia đình hạnh phúc, cuộc sống ổn định ở huyện Phú Tân. Nhưng rồi tất cả đã tan tành vì Công an tỉnh Cà Mau bắt tôi, ghép cho tôi cái tội hiếp dâm trẻ em, làm cho tôi và gia đình, dòng họ hết sức nhục nhã. Gia đình tôi khổ sở, vợ con và anh em phải bỏ xứ đi nơi khác làm thuê mà cuộc sống cũng rất khốn khó. Thời gian tôi bị tạm giam, gia đình tôi đã phải bán đất, bán xe cùng các vật dụng có giá trị trong nhà để duy trì sinh hoạt và thăm nuôi tôi”

Lật lại vụ án oan của Nguyên, tháng 8.2011, anh bị cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, bắt tạm giam về hành vi hiếp dâm trẻ em.

Theo hồ sơ, khoảng 19h ngày 25.7.2011, thấy trước nhà có nhiều cháu gái hàng xóm đang chơi, Nguyên gọi các cháu vào xem phim hoạt hình với con mình. Xem phim một lúc, Nguyên bảo con ra ngoài chơi, đóng cửa, tắt đèn, tắt tivi rồi... dùng dây trói chân ba bé gái trong phòng. Nguyên để cháu V.N.O (sinh năm 2004) trên nệm, dùng khăn nhét vào miệng cháu rồi cởi dây trói, quần áo của cháu và giở trò đồi bại. Lúc này ở bên ngoài, có một bé gái đi đến phòng, nhìn qua lỗ để máy điều hòa thì thấy Nguyên đang nằm đè lên cháu O. Nghe tiếng động, Nguyên mở dây trói, mở cửa cho các cháu về nhà.

Năm ngày sau, nghe các bé gái cãi nhau, mẹ cháu O biết chuyện nên dẫn con đến gặp Nguyên. Nguyên không thừa nhận, mẹ cháu O đã đến công an tố cáo. Thế là Nguyên bị bắt.

Kiện đòi 1 tỷ cho 1.062 ngày bị giam oan - 1

Anh Nguyên với hồ sơ khởi kiện đòi bồi thường oan. Ảnh: H.Yến

Chứng cứ buộc tội yếu ớt, mâu thuẫn
Theo Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Cà Mau, cháu O không bị rách màng trinh nhưng biên bản hội chẩn của BV Đa khoa huyện Phú Tân thì ngược lại.

Từ khi bị bắt, Nguyên luôn kêu oan nhưng xử sơ thẩm hồi tháng 4.2013, TAND tỉnh Cà Mau vẫn phạt Nguyên 13 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em và buộc bồi thường cho gia đình cháu O 12,5 triệu đồng. Nguyên kháng cáo tiếp tục kêu oan.

Tháng 7.2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Theo tòa, các nhân chứng trong suốt quá trình điều tra, xét xử vụ án có nhiều lời khai khác nhau như số người bị nhốt trong phòng, vị trí từng người, ánh sáng, tầm nhìn. Dù CQĐT có thực nghiệm hiện trường nhưng với điều kiện ánh sáng như các nhân chứng khai thì chưa chứng minh được là có thể nhìn thấy hành động của Nguyên như nhân chứng đã nhìn qua lỗ điều hòa hay không. CQĐT không xác định được có hay không dây trói, kích thước, chất liệu... Vụ án có hai kết quả giám định trái ngược mà tòa sơ thẩm lại chấp nhận cả hai là chưa hợp lý. Lời khai của bị cáo về chứng cứ ngoại phạm vào thời điểm xảy ra vụ án (đang đá bóng rồi đánh cờ với bạn) chưa được làm rõ. CQĐT chưa tổ chức cho Nguyên với nạn nhân và các nhân chứng đối chất...

Một năm sau, Công an tỉnh Cà Mau kết luận không đủ căn cứ chứng minh Nguyên có hành vi phạm tội nên đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, đề nghị VKS tỉnh trả tự do cho Nguyên. Tháng 7.2014, VKSND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định trả tự do cho Nguyên sau 1.062 ngày tạm giam.

“Đâu là công bằng cho tôi?”

Sau đó Nguyên đã yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau bồi thường oan cho anh tổng cộng hơn 1 tỷ đồng.

Thương lượng lần đầu, TAND tỉnh Cà Mau chỉ chấp nhận bồi thường cho anh 241 triệu đồng. Ngày 15.5.2015, TAND tỉnh Cà Mau tiếp tục thương lượng lần hai và cũng chỉ chấp nhận mức bồi thường trên. Năm ngày sau, chánh án TAND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định giải quyết bồi thường cho Nguyên là 241 triệu đồng. Không đồng ý, Nguyên khởi kiện TAND tỉnh Cà Mau ra TAND huyện Phú Tân.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Nguyên buồn bã: “Tôi là lao động chính, gia đình sống phụ thuộc vào tôi. Tôi bị bắt, công việc làm ăn của tôi mất hết. Mọi người xung quanh khinh bỉ, xa lánh khiến gia đình tôi phải bỏ xứ đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Giờ tôi được minh oan, tòa tỉnh chỉ chịu bồi thường 241 triệu đồng, còn ít hơn số tiền mà gia đình tôi phải bán đất, bán xe để thăm nuôi tôi. Còn những mất mát mà tôi và gia đình tôi đã phải gánh chịu suốt ba năm qua thì không ai nhắc đến. Thử hỏi như vậy thì có công bằng cho chúng tôi nữa hay không?”.

​Tòa huyện xử tòa tỉnh là bình thường

Việc TAND huyện Phú Tân thụ lý, giải quyết vụ kiện của anh Nguyên là bình thường dù bên bị kiện là tòa cấp trên. Bởi theo khoản 1 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là tòa cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thực tiễn, đã có nhiều vụ tòa huyện xử sơ thẩm tòa tỉnh, sau đó tòa tỉnh xử phúc thẩm chính mình và việc xét xử này không gây ra vướng mắc gì.

Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN