Hút, chích rồi cướp

Không phải tất cả nhưng phần lớn kẻ cướp giật táo tợn đều nghiện ngập và gây án sau khi hút, chích. Sự phát triển của nạn mua bán ma túy có mối quan hệ chặt chẽ với số vụ cướp gia tăng.

Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng có thể nói ma túy là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nạn cướp giật táo tợn.

Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, tình hình buôn bán ma túy trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn ra phức tạp, ma túy tổng hợp đang dần thay thế ma túy truyền thống là heroin. Qua thâm nhập thực tế, PV ghi nhận việc mua bán ma túy không phải quá khó. Không phải ai sử dụng ma túy đều trở thành tội phạm, nhưng từ ma túy đến tội phạm chỉ là một lằn ranh mong manh.

Hút, chích rồi cướp - 1

Nhiều ngày theo dõi ở khu vực giao lộ quốc lộ 1 - hương lộ 2 (Q.Bình Tân, TP.HCM), PV đã quay được nhiều đoạn phim về những con nghiện dùng kim tiêm uy hiếp tài xế nhằm xin đểu. Trong ảnh là một vụ con nghiện xin đểu - Ảnh: cắt từ clip của Ngọc Khải

Gia tăng ma túy tổng hợp

Sáng 29/11, một thanh niên đi xe máy đến nháy mắt với người phụ nữ dáng gầy đứng tại khu vực dưới chân cầu bộ hành (Bệnh viện Ung bướu, đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh), lập tức có một người đàn ông mặc áo đen đi xe máy trờ đến hỏi: “Nhiêu?”.

Anh thanh niên trả lời “một cái”, đồng thời kẹp sẵn 120.000 đồng trong tay đưa cho người đàn ông mặc áo đen. Nhận được tiền, người đàn ông này gỡ dưới cổ xe lấy một viên trắng bọc nilông đưa cho anh thanh niên trước sự chứng kiến của nhiều người.

Trước đó đêm 28/11, tại chân cầu vượt An Sương, nơi giáp ranh nhiều phường (xã) giữa Q.12 và H.Hóc Môn, nhiều người dân phản ánh nạn mua bán ma túy của các cô gái “ăn sương” đứng dọc hai bên đường. Ngoài ra, giới nghiện ngập ma túy còn chỉ đích danh những điểm nóng mua bán ma túy xung quanh khu vực cầu Nhị Thiên Đường (Q.8), cầu vượt Bình Phước (giáp ranh Q.Thủ Đức, Q.12) và phổ biến nhất hiện nay là điện thoại qua người quen để giao “hàng trắng” mọi lúc mọi nơi...

Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP.HCM, chỉ riêng ma túy tổng hợp, trong năm 2012 PC47 thu giữ 71kg, chủ yếu là methamphetamine (còn gọi là hàng đá) và hàng chục ký ma túy các loại. So với năm 2010, số ma túy tổng hợp bị phát hiện đã tăng gần 15 lần.

“Ba năm trước, chúng tôi đã đánh giá xu thế sử dụng ma túy tổng hợp sẽ thay thế heroin và các loại ma túy khác. Thực tế đúng như dự đoán, số ma túy tổng hợp bị phát hiện, bắt giữ mỗi năm một tăng. Năm 2010 thu giữ hơn 4,9kg, bắt gần 450 đối tượng, năm 2011 là 19,2kg - 511 đối tượng, năm 2012 là 71kg - 840 đối tượng.

Trong khi đó số heroin bị phát hiện, bắt giữ trong năm nay tương đương năm 2011, hơn 11kg. Chỉ dựa trên con số phát hiện, số lượng ma túy tổng hợp - đặc biệt là hàng đá - tăng với cấp số nhân” - thượng tá Thắng phân tích.

Thượng tá Thắng nhận định thị trường sử dụng ma túy có sự thay đổi, ma túy truyền thống như heroin có vẻ như không phát triển, giới trẻ bây giờ chủ yếu dùng ma túy tổng hợp. VN nằm trong xu thế này.

Theo thượng tá Thắng, có thể chia ma túy tổng hợp ra hai loại chính, được giới trẻ VN sử dụng nhiều là thuốc lắc và hàng đá. Cả hai loại này đều có tính hướng thần, thuốc lắc làm người sử dụng bị kích thích thần kinh, gây mỏi cổ, cần có nhạc lớn để lắc lư. Do đó thanh thiếu niên vẫn chọn các quán bar, vũ trường để sử dụng.

Hàng đá cũng tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác mạnh, có thể dẫn tới mất tự chủ và hành động theo đúng những ảo giác do thuốc gây ra. Cả hai loại này người sử dụng tưởng an toàn hơn tiêm chích, nhưng thực chất đều bị kích thích, khi đã phê, đã say thì không thể có tình dục an toàn, hành động cũng rất nguy hiểm. Người sử dụng ma túy tổng hợp khó phát hiện hơn sử dụng heroin, hiện chưa có phác đồ điều trị.

Thượng tá Thắng cho biết tình hình buôn bán ma túy tổng hợp tiếp tục phức tạp và có thể vượt dự đoán. Trong vài năm gần đây xuất hiện hiện tượng người Việt, đặc biệt là phụ nữ, bị lừa đi nước ngoài du lịch miễn phí, cặp bồ với người nước ngoài, sau đó bị khống chế để vận chuyển ma túy. Cũng cần lưu ý nhóm tội phạm là người gốc Phi đang hoạt động mạnh, điều hành những mạng lưới ma túy trên toàn cầu và đã có mặt tại VN.

Hút, chích rồi cướp - 2

Một thanh niên nghiện ngập sau khi vừa xin đểu tài xế tại giao lộ hương lộ 2 - quốc lộ 1 - Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải

Con nghiện xin đểu

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là chuyện người nghiện ma túy sử dụng kim tiêm đi xin đểu dọc quốc lộ 1. Trưa 30/11, ông Tí - tài xế xe tải 1,3 tấn - chạy trên quốc lộ 1 vừa đến giao lộ hương lộ 2 (thuộc địa bàn Q.Bình Tân) thì gặp đèn đỏ nên dừng xe lại. Rất nhanh, một thanh niên dáng cao lều khều đội nón lưỡi trai từ trong lề đường lao ra gõ cửa cabin, tay giơ kim tiêm còn dính máu ra nói: “Vả quá, cho em mấy ngàn mua kim chích”.

Thấy vậy, ông Tí run run, rút trong ví ra 10.000 đồng cho thanh niên này. Khi người thanh niên xin đểu đi khỏi, ông Tí phân trần: “Tụi nó đi có đồng bọn, còn tôi chỉ đi một mình, không đưa tiền cho tụi nó là có chuyện ngay”. Ông Tí cho biết ông thường xuyên chứng kiến cảnh những thanh niên nghiện ngập tụ tập dưới gầm cầu chích cho nhau.

Có mặt tại giao lộ này từ 10h30-11h30 ngày 30/11, PV ghi hình hơn 20 tài xế bị xin đểu với hình thức tương tự như trên. Theo đó, mỗi khi có tín hiệu đèn đỏ, hàng chục xe tải lớn nhỏ phải nối đuôi nhau chờ, lợi dụng lúc này, một nhóm thanh niên thay phiên nhau đi xin đểu tài xế. Nếu không cho tiền, nhóm thanh niên trên sẽ chửi, dọa cho “ăn” kim tiêm. Một người dân khu vực bức xúc kể: “Tụi này ghé vào dọa nạt, lấy tiền tài xế tỉnh rụi.

Tụi tui thấy mà không dám nói năng gì”. Không chỉ xin đểu cánh tài xế, nhóm nghiện ngập tại hương lộ 2 còn “đớp” luôn những người đi xe máy. Anh Nguyễn Văn Tâm (30 tuổi, quê Long An) đi làm ăn thường xuyên trên quốc lộ 1 bức xúc: “Ban đêm, cứ dừng đèn đỏ ở giao lộ hương lộ 2 là bị một đám thanh niên cầm kim tiêm đến xin đểu. Đành phải đưa tiền, nếu không chúng nó ném đá hoặc đâm cho một kim thì biết làm sao”.

Sẽ mạnh tay dẹp nạn mua bán, hút chích ma túy

Ngày 1/12, trao đổi với PV, đại tá Phan Hồng Khanh, trưởng Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết thời gian qua đã triển khai lực lượng công an, bảo vệ khu phố tuần tra và mai phục bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, hút chích ma túy xung quanh khu vực Bệnh viện Ung bướu. Tuy nhiên, các đối tượng nghiện ngập khi thấy vắng lực lượng tuần tra là tái diễn tình trạng mua bán ma túy.

Thượng tá Trà Văn Lào, phó trưởng Công an Q.Gò Vấp, cho rằng khu vực quanh công viên Gia Định là điểm nóng về nạn thanh thiếu niên tụ tập hút chích ma túy. Thời gian qua, lãnh đạo công an quận đã chỉ đạo cảnh sát phòng chống ma túy phối hợp với công an phường thường xuyên tuần tra quanh khu vực và phát hiện không ít đối tượng cư ngụ ở nơi khác đến đây sử dụng ma túy.

Thượng tá Lê Văn Hải, phó trưởng Công an Q.8, cho biết khu vực dưới chân cầu Nhị Thiên Đường là điểm nóng về nạn mua bán ma túy nhiều năm qua. Dưới sự chỉ đạo của UBND TP, lãnh đạo Công an TP, Công an Q.8 phối hợp với nhiều lực lượng bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, sử dụng ma túy nên tình hình đã tạm lắng, tạo được sự yên tâm nơi người dân.

S.Bình

Mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm

“Tăng cường chỉ đạo, mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự và giải quyết tệ nạn xã hội” - lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu như vậy tại cuộc họp đánh giá kinh tế - xã hội TP tháng 11/2012 ngày 1/12, trước tình hình “nóng” về trật tự an toàn xã hội.

Báo cáo tại cuộc họp trên, chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Luận cho biết thống kê từ ngày 16-10 đến 15-11, ở TP đã xảy ra 572 vụ phạm pháp hình sự, tăng 181 vụ (hơn 46%) so với tháng trước và tăng 129 vụ (hơn 29%) so với cùng kỳ năm 2011. Theo ông Luận, tội phạm hình sự qua thống kê này cho thấy tăng rất cao. Tuy nhiên, tỉ lệ điều tra khám phá cũng được ghi nhận đạt gần 72% với hơn 400 vụ, bắt giữ hơn 500 người vi phạm.

Phó giám đốc Công an TP Ngô Minh Châu cho biết thêm phạm pháp hình sự trong năm 2012 xảy ra hơn 5.000 vụ. Các án cướp giật, trộm tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số vụ phạm pháp hình sự, chiếm trên 70%. Trong khi đó cuối tháng 10 và tháng 11/2012, ở TP xảy ra một số vụ cướp giật với hành vi dã man.

Ông Châu phân tích thêm các năm 2010, năm 2011, chủ yếu tập trung một số đối tượng từ TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội vào TP.HCM hoạt động với phương thức tương đối dã man, chém, giết, cướp. Trong tháng 10 và tháng 11/2012, ở TP xuất hiện một số băng nhóm từ các tỉnh khác, ở miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ. Đặc biệt, vừa qua phát hiện băng nhóm từ tỉnh Bình Định vào TP.HCM đâm thuê chém mướn và mới vào hôm trước thì hôm sau đã thực hiện hành vi. Tính chất phạm tội của các nhóm đối tượng này cũng manh động hơn. Thủ đoạn cướp giật chủ yếu lợi dụng đêm khuya, nơi vắng tối, dùng xe máy chặn đường và dùng hung khí, bình xịt hơi cay, roi điện tấn công nạn nhân, cướp tài sản.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân rất lo lắng trước tình hình nói trên. Theo ông Quân, UBND TP đã chỉ đạo Công an TP phối hợp với công an các tỉnh phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm, nhất là những băng nhóm có sự liên kết nhau.

Trả lời PV về tâm trạng lo lắng của người dân trước một số vụ cướp giật gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói: “Không chỉ chia sẻ, mà chúng tôi thấy đó là trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng phải đảm bảo sự an vui cho nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tài sản, tính mạng cho dân. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi thấy đó là trách nhiệm của mình. Không thể nói bây giờ tội phạm hoạt động táo tợn rồi bó tay”.

Quốc Thanh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Minh - Sơn Bình - Ngọc Khải (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN