Hàng tấn ma túy đá nhập lậu vào Việt Nam

Nhiều thanh niên sử dụng ma túy đá đã biến thành "thú dữ" lúc nào không hay.

“Ma túy đá là chất kích thích rất mạnh, nhanh đến hệ thần kinh. Người sử dụng sẽ rơi vào trạng thái “ngáo đá”, mất kiểm soát hành vi, loạn thần, loạn giác, nhiều trường hợp giết người không ghê tay”. BS La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I (Hà Nội), cảnh báo với Pháp Luật TP.HCM chiều 14-1.

Ma túy đá biến người thành thú

Theo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy, trong năm 2015 lực lượng đã bắt giữ gần 700 kg ma túy dạng đá tổng hợp, tăng gần gấp đôi so với năm trước. “Đó là số bắt giữ, còn số nhập lậu vào Việt Nam lớn hơn nhiều” - một cảnh sát cho hay.

Cách đây không lâu, người dân phường Trần Quang Khải, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) bàng hoàng trước cái chết của hai vợ chồng ông Đỗ Đức Thắng mà hung thủ không ai khác là con ruột của họ - Đỗ Đức Mạnh Hùng. Nguyên nhân là do Hùng sử dụng ma túy đá, bị ảo giác nên dùng dao sát hại cha mẹ. Khi bị bắt về cơ quan công an, Hùng liên tục la hét, sợ quạ và rắn bò lên người - chứng ảo giác khi dùng ma túy đá.

Trên các phương tiện thông tin, hàng loạt người có hành vi “không giống ai” như nhảy xuống sông giữa trời lạnh 10-12 độ; xông vào trụ sở ngân hàng quậy phá làm náo loạn cả tỉnh và hàng loạt vụ án đau lòng khác do trạng thái “ngáo đá” mà các thanh niên sử dụng.

Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Đấu tranh phòng, chống tội phạm tiền chất và ma túy tổng hợp, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), cho biết: Nhiều người sử dụng ma túy đá lầm tưởng là nó không gây nghiện như các loại ma túy khác, tác dụng chỉ thoáng qua nên lạm dụng như một trò giải khuây. “Thực chất, hậu quả của nó là khôn lường” - ông nói.

Hàng tấn ma túy đá nhập lậu vào Việt Nam - 1

Tang vật một vụ vận chuyển ma túy đá công an bắt giữ. Ảnh: NGỌC BẢO

Người nghiện đa phần là trẻ

Thống kê của công an cho thấy trong năm 2015, CSĐT tội phạm về ma túy cả nước đã bắt giữ lượng ma túy gần gấp đôi so với năm trước. Các đường dây lớn vận chuyển ma túy đá bị phát hiện chủ yếu vận chuyển từ Trung Quốc và Lào vào Việt Nam.

Theo Thượng tá Thiêm, ma túy tổng hợp nói chung và ma túy đá nói riêng chủ yếu được mang từ nước ngoài về. “Chúng tôi làm rất mạnh, các năm trước còn bắt giữ được một số vụ sản xuất ma túy đá trong nước nhưng năm 2015 thì chưa phát hiện vụ nào” - ông nói.

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, hiện trên cả nước có hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó người nghiện ma túy tổng hợp dạng đá chiếm khoảng 40%, số người nghiện nằm trong độ tuổi 18-30 lên tới 72%.

“Tình trạng sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp chưa có dấu hiệu giảm, nhất là địa bàn các tỉnh, TP lớn. Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá đã không kiểm soát được hành vi, thậm chí giết cả người thân, gây nhức nhối trong dư luận xã hội” - Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, nói.

Bộ Công an cũng cảnh báo năm 2016 việc vận chuyển ma túy vào Việt Nam, trong đó có ma túy đá không có dấu hiệu giảm. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương đánh mạnh vào loại tội phạm này.

Theo BS La Đức Cương, trước đây mỗi tháng khoa Giải độc BV Tâm thần Trung ương tiếp nhận khoảng 10 trường hợp loạn thần do sử dụng ma túy đá nhưng gần đây tăng đột biến, khoảng 30-40 trường hợp, đó là chưa kể những bệnh nhân nhẹ ở khoa khác. Việc sử dụng ma túy đá lâu dài nếu không đưa đến cái chết cũng sẽ dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.

Khi “đập đá”, người sử dụng có thể rơi vào trạng thái hưng phấn cực độ, hoang tưởng, ảo giác, điên dại, mất kiểm soát hành vi, suy kiệt thể chất, xui khiến giết người…

Người nghiện ma túy đá sẽ là bệnh nhân tâm thần trong tương lai và thế giới chưa có phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh nhân sử dụng ma túy đá, một số trường hợp không thể điều trị khỏi được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Bảo (Pháp Luật TPHCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN