Đồng phạm của “siêu lừa” Huyền Như phản cung, chối tội

“Bị cáo không cố tình vi phạm, làm như vậy tội nghiệp cho bị cáo. Bị cáo dám khẳng định là toàn bộ hồ sơ đã đầy đủ chữ ký”, bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) nói tại tòa.

Sáng nay (19.12), Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Tại đây, HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phải trích đọc lại các bút lục ghi lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra để làm rõ tính khách quan của vụ án. 
Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận các hành vi phạm tội của mình. Riêng đối với việc Huyền Như cầm thẻ tiết kiệm của các nhân viên Ngân hàng ACB và Navibank đi cầm cố lấy tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huyền Như cho rằng đã lợi dụng lòng tin của đồng nghiệp để thực hiện hành vi gian dối.

Đồng phạm của “siêu lừa” Huyền Như phản cung, chối tội - 1
Huỳnh Thị Huyền Như rời khỏi phiên tòa sau phần thẩm vấn buổi sáng.

Đến phần thẩm vấn Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), HĐXX hỏi Tiên có giúp sức cho Huyền Như phạm tội không? Bởi theo hồ sơ, Tiên là người ký hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 hồ sơ do Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long đứng ra vay với số tiền 33 tỷ đồng. Hậu quả là Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt 33 tỷ đồng này.

Bị cáo Tiên cho rằng bị oan và mình không phạm tội. “Bị cáo không cố tình vi phạm, làm như vậy tội nghiệp cho bị cáo. Bị cáo dám khẳng định là toàn bộ hồ sơ đã đầy đủ chữ ký”, bị cáo Tiên nói.

Theo giải thích của bị cáo Tiên, trong lúc cơ quan điều tra lấy lời khai (ngày 21.8.2011), bị cáo đang trong tinh thần hoảng loạn nên không kiểm tra kỹ tờ khai, vì vậy ký vào lời khai với nội dung không đúng sự thật. “Lúc đó bị cáo rất hoảng sợ nên không đủ bình tĩnh”, bị cáo Tiên nói.

Đại diện HĐXX hỏi: “Bị cáo rất bình tĩnh và có đọc từng trang. Tại sao trước bao nhiêu người ở đây bị cáo bình tĩnh như vậy, nhưng trước một điều tra viên lại mất bình tĩnh?”. Nghe vậy, bị cáo Tiên im lặng.

Sau đó, HĐXX phải trích đọc lại bản khai gốc của Tiên ghi ngày 21.8.2011 và hỏi chữ ký trong bản khai có phải của bị cáo không? Đến đây, bị cáo Tiên xác nhận chữ ký đó hoàn toàn là của mình.

Tuy nhiên, bị cáo Tiên cho rằng bản ghi đó không chính xác khi để chức danh Tiên là Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. Bên cạnh đó, trong hồ sơ cũng ghi sai số khi trên thực tế chỉ có 55 hồ sơ nhưng trong bản ghi của cơ quan điều tra lại ghi là 59, còn trong hồ sơ ghi 6 thẻ tiết kiệm nhưng chỉ có 5 thẻ.

Đến phần thẩm vấn các bị cáo: Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Nguyễn Thị Phúc Ngân (nhân viên kế toán Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) Huỳnh Trung Chí (nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đều trích đọc lại bút lục ghi lời khai của các bị cáo. Các bị cáo này vẫn giữ nguyên lời khai và cho rằng lời khai của các bị cáo hoàn toàn tự nguyện, không ai hướng dẫn hoặc ép buộc.

Trong buổi sáng, ngoài thẩm vấn các cựu nhân viên, cán bộ Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, HĐXX còn thẩm vấn các bị cáo là cựu nhân viên, cán bộ Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Theo hồ sơ, trong vụ án này có 9 bị cáo thuộc 2 phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng, thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM bị đưa ra xét xử về hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa...

Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM). Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng.

Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty rồi sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân. Tổng cộng Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.

Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ... Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hữu ([Tên nguồn])
"Siêu lừa" 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN