Đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai

VKSND Tối cao nhiều lần chỉ đạo xem xét và bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Chiếm Phái nhưng đến khi ông qua đời, VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực hiện.

Bà Lê Thị Toàn - Chánh án TAND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - cho biết dự kiến tháng 11 tới, vụ kiện đòi bồi thường oan sai giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Chiếm Phái và bị đơn là VKSND tỉnh Khánh Hòa sẽ được đưa ra xét xử.

28 năm mang án giết người

34 năm trước, ông Huỳnh Chiếm Phái (SN 1931) là đội trưởng Đội Sản xuất thôn Phong Phú, xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Ngày 18-10-1981, ông Phạm Ngựu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, sau khi họp tại nhà đội trưởng Phái về thì bị bắn chết.

Đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai - 1

Gia đình ông Huỳnh Chiếm Lạc với tập hồ sơ khởi kiện, đòi VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường oan sai cho cha mình

Cho rằng ông Phái là nghi phạm giết người, ngày 17-12-1981, Công an huyện Ninh Hòa khởi tố bị can. Đến ngày 18-2-1982, Công an tỉnh Phú Khánh ra lệnh bắt tạm giam ông Phái. Đến ngày 2-2-1983, ông Phái nhận được lệnh tạm tha của VKSND tỉnh Phú Khánh với lý do: tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp.

“Từ một đội trưởng sản xuất khỏe mạnh, ra tù, bố tôi như người sắp chết. Gia đình phải đưa võng khiêng về. Đôi chân ông cũng không còn đi lại được nữa” - ông Huỳnh Chiếm Lạc, người con thứ 4 của ông Phái, bức xúc.

Theo đơn khởi kiện mà ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (con ông Phái; hiện ngụ tại xã EaKtur, huyện CưKuin, tỉnh Đắk Lắk) được cha ủy quyền, suốt 28 năm, ông Phái mang thân phận nghi can giết người vì ngoài giấy tạm tha trên, ông không còn nhận bất kỳ giấy tờ nào khác. Vì vậy, ngày 19-8-2009, ông Hoạnh đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra vụ án để làm rõ cha ông có phải là nghi phạm không.

Đến ngày 1-10-2009, ông Phái làm đơn kêu oan và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hai tháng sau, VKSND tỉnh Khánh Hòa mời gia đình ông Phái làm việc. “Đến đây, gia đình tôi mới biết VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định đình chỉ điều tra đối với cha tôi. Gia đình đề nghị nhận quyết định này, VKSND tỉnh yêu cầu chúng tôi phải rút đơn đòi bồi thường thì mới cho nhận nhưng đó cũng chỉ là bản photocopy” - ông Hoạnh cho hay.

Theo VKSND tỉnh Phú Khánh trước đây, lý do đình chỉ điều tra là vì không đủ bằng chứng buộc tội ông Phái giết người. Trước yêu cầu của gia đình, ngày 24-12-2009, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đã đến xã Ninh Giang chính thức thông báo với chính quyền địa phương về việc đình chỉ điều tra đối với ông Phái và yêu cầu khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông. Biên bản làm việc hôm đó không nhắc đến việc xin lỗi hay bồi thường cho ông Phái.

Tự tử vì mòn mỏi chờ minh oan?

Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Phái đã nhiều lần làm đơn gửi đến VKSND tỉnh Khánh Hòa, VKSND Tối cao yêu cầu bồi thường oan sai cho ông. “Chúng tôi yêu cầu bồi thường không phải vì tiền mà vì danh dự, vì sự công bằng đối với cha tôi…, để ông có thể yên nghỉ ở suối vàng” - ông Hoạnh mong mỏi.

VKSND Tối cao đã gửi các công văn ký ngày 16-7-2012, 20-10-2011 và 28-2-2011 yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa xem xét và tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Phái theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến nay, việc bồi thường oan sai cho ông vẫn rơi vào im lặng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Minh, Viện phó VKSND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng vụ này có nhiều quan điểm khác nhau nên khó xử lý. Về việc không trao quyết định đình chỉ điều tra cho ông Phái, ông Minh cho biết không rõ vì vụ việc xảy ra đã quá lâu.

“Chúng tôi cũng phải xin hồ sơ bên Cơ quan CSĐT, còn sót lại quyết định đình chỉ điều tra ấy. Hồi đó, cả những người thực hiện quyết định đình chỉ này cũng không lưu hồ sơ và không làm biên bản giao nhận. Nó lằng nhằng ngay ở chỗ đó!” - ông Minh thừa nhận.

Dù ngày 11-12-2012, ông Hoạnh được cha ủy quyền khởi kiện VKSND tỉnh Khánh Hòa ra TAND thị xã Ninh Hòa để đòi bồi thường oan sai nhưng mãi đến ngày 6-1-2014, TAND thị xã Ninh Hòa mới thụ lý vụ án. Đến nay, vụ việc vẫn chưa đưa ra xét xử. “Đối với những vụ phức tạp, tòa cần phải có thời gian” - Chánh án TAND Ninh Hòa, bà Lê Thị Toàn, lý giải.

Trong khi mỏi mòn chờ đợi được minh oan thì ngày 22-3-2015, ông Phái qua đời. Ông Nguyễn Thạnh Nhi, Chủ tịch UBND phường Ninh Giang, xác nhận ông Phái qua đời do bệnh tuổi già.

Trong khi đó, theo gia đình, ngày 22-3, nhân có đám cưới người thân, con cháu về đông đủ, ông Phái đi xe lăn ra sau nhà rồi thắt cổ tự tử. “Ông không thể chịu nổi những ngày tháng đợi chờ để được bồi thường. Ông đã nhiều lần tự tử hụt rồi, uống thuốc độc có, thắt cổ có. Ở nhà, tôi phải giữ ông còn khó hơn giữ con trẻ, vậy mà cũng không được…” - bà Đàm Thị Ánh, con dâu ông Phái, buồn bã. Trong đơn khởi kiện khi ông Phái còn sống, ông Hoạnh cho hay cha ông cũng đã nhiều lần đòi tự tử.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa:

Dù trễ vẫn phải bồi thường

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010), tại  khoản 1 điều 5 quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định…”. Trong vụ việc này, suốt thời gian dài, ông Phái không nhận được quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh. Mặt khác, cơ quan pháp luật không chứng minh được đã tống đạt quyết định này cho ông vào năm 1984.

Đến năm 2009, VKSND mới cung cấp cho ông Phái  bản photocopy quyết định đình chỉ chứ không giao được bản chính. Như vậy, năm 2009 là thời điểm ông Phái nhận biết được quyết định đình chỉ điều tra, xác định ông là người bị oan. VKSND Tối cao cũng có nhiều văn bản yêu cầu VKSND  tỉnh Khánh Hòa xem xét và tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Phái. Do đó, không thể lấy lý do hết thời hiệu để không bồi thường cho gia đình ông.

Đây là vụ án oan hy hữu của lịch sử tố tụng những năm 1980 để lại. Thời điểm đó, pháp luật tố tụng hình sự chưa rõ ràng, chưa bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Những người thực thi công vụ trái pháp luật trong vụ việc này cũng đã nghỉ hưu hoặc qua đời, thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với những người làm trái pháp luật đã hết. Tuy nhiên, những thiệt hại về tinh thần,vật chất đối với người bị oan vẫn chưa được giải quyết khi chưa tổ chức xin lỗi, chưa bồi thường thiệt hại. Cơ quan tư pháp trung ương cần xem xét và có chỉ đạo giải quyết tháo gỡ những sai lầm trong quá khứ, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục của pháp luật, về trách nhiệm bồi thường nhà nước theo hướng có lợi và bảo đảm hơn cho gia đình ông Phái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN