“Đại án” Huyền Như: Vietinbank phải bồi thường cho 5 công ty

Tại phần tranh luận trong phiên tòa phúc thẩm xét xử “đại án” Huyền Như ngày hôm nay (24.12), theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKS), trách nhiệm bồi thường tiền cho 5 công ty thuộc về Vietinbank.

Theo hồ sơ, trong vụ án này có 5 công ty bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng (Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu: 125 tỷ đồng, Công ty CP CK Saigonbank-Berjaya (SBBS): 210 tỷ đồng, ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên tổng số tiền là 1.598 tỷ đồng).

“Đại án” Huyền Như: Vietinbank phải bồi thường cho 5 công ty - 1

Bị cáo Huyền Như (phải) tại phiên tòa (Ảnh: H.K) 

Với các trường hợp này, đại diện VKS Nhân dân Tối cao giữ quyền công tố cho rằng việc xác định tư cách các đơn vị này là nguyên đơn dân sự trong vụ án là có cơ sở xem xét. Trong vụ án này, các công ty yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền công ty bị Huyền Như chiếm đoạt khi họ gửi tiền vào tài khoản Vietinbank là hợp lý.

Theo quan điểm của cơ quan giữ quyền công tố, các công ty mở tài khoản tại Vietinbank là hợp lệ. Các công ty này có gửi tiền vào tài khoản Vietinbank và có hạch toán trong sổ sách. Sau đó số tiền các công ty gửi vào bị bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.

Đại diện VKS Tối cao cho biết, khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản Vietinbank, quan hệ gửi giữ giữa khách hàng và Vietinbank đã được xác lập. Trong đó các công ty là bên gửi tiền và Vietinbank là bên giữ tiền. Việc số tiền trong tài khoản ngân hàng của các công ty bị Huyền Như chiếm đoạt, các công ty không có lỗi. Lỗi thuộc về Vietinbank khi đã quản lý tài khoản lỏng lẻo để Huyền Như thực hiện được hành vi của mình. Do đó, Vietinbank phải chịu trách nhiệm với số tiền mất đó.

Tuy nhiên theo đại diện VKS, trong vụ án này Vietinbank cũng là bị hại, là nguyên đơn dân sự. Do đó Vietinbank có thể yêu cầu bị cáo Huyền Như bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.

“Đại án” Huyền Như: Vietinbank phải bồi thường cho 5 công ty - 2

Các bị cáo trong phiên xử hôm nay

Liên quan đến vụ án  này, đại diện VKS cũng kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Hoàng Minh (hai người nguyên là Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM), và làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM).

Cũng trong phần tranh luận trong ngày 24.12, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của các bị cáo và đương sự: Đào Thị Tuyết Dung, Võ Anh Tuấn, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Kim Bình, Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Trần Thanh Thanh, Phạm Thị Tuyết Anh, Giã Thị Mai Hiên, Lê Thị Ngọc Nga, Vũ Thị Kim Thịnh Và Nguyễn Duy Quang. Lý do là không có căn cứ để xem xét và không có tình tiết giảm nhẹ.

Đại diện VKS cũng bác kháng cáo của Ngân hàng ACB. Lý do VKS đưa ra là ngân hàng ACB biết việc giao tiền cho nhân viên đem đi ký hợp đồng gửi tiền là sai luật, nhưng vì lợi ích cá nhân, lãnh đạo ACB đã bỏ qua. Vì vậy ACB phải chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra, Vietinbank không có trách nhiệm. Do đó VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của ACB và 19 nhân viên ACB.

Tương tự đơn kháng cáo của Ngân hàng Navibank đòi Vietinbank bồi thường số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt cũng bị VKS bác bỏ.

Còn các kháng cáo của bị cáo và đương sự Huỳnh Mỹ Hạnh, Nguyễn Thiên Lý, Phạm Anh Tuấn, Lê Thị Ngọc Lợi, Tống Nguyên Dũng, Huỳnh Trung Chí, Huỳnh Hữu Danh được đại diện VKS chấp nhận vì các bị cáo và đương sự đưa ra được các tình tiết mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hữu ([Tên nguồn])
"Siêu lừa" 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN