Đà Nẵng: Xét xử sơ thẩm vụ án buôn gỗ trắc “khủng”

Ngày 30/10, TAND thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc “khủng” do cơ quan chức năng khởi tố ngày 6/4/2012.

Ngay sau đó, cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung vào ngày 10/3/2014. Ngày 7/5/2014 Viện KSNDTC đã phê chuẩn cáo trạng truy tố đối với bị cáo Trương Huy Liệu, Phó giám đốc, và Trần Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng (có trụ sở ở thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) về tội buôn lậu.

Đà Nẵng: Xét xử sơ thẩm vụ án buôn gỗ trắc “khủng” - 1

TAND thành phố Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn gỗ trắc lậu khủng vào sáng 30/10

Theo cáo trạng, khoảng tháng 10/2011, tại tỉnh Savanakhet của Lào, Trương Huy Liệu gặp 2 người là dân buôn gỗ tại Lào và được đề nghị hợp tác buôn lậu gỗ trắc sang Trung Quốc. Các đối tượng lấy tư cách pháp nhân của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào do Khamfong Vorabouth làm Giám đốc để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cho lô hàng.

Tiếp đó, Liệu giao nhân viên Cty Ngọc Hưng sử dụng các loại giấy tờ khống để “qua mặt” lực lượng chức năng tại cửa khẩu. Trần Thị Dung ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục kinh doanh gỗ từ Lào vào Việt Nam, sau đó xuất kinh doanh sang Hong Kong, Trung Quốc.

Đến tháng 12/2011, khi xe container gỗ của Cty Ngọc Hưng đang di chuyển từ Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt đến Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng thì bị cảnh sát bắt giữ.

Lý do chính để cáo trạng tuy tố vợ chồng chủ Cty Ngọc Hưng tội buôn lậu là kê khai chưa đúng về chủng loại và khối lượng lô gỗ. Về chủng loại, lô gỗ trắc gồm rất nhiều loại, từ gỗ tròn đến gỗ xẻ và cành ngọn. Kê khai của Cty Ngọc Hưng không chính xác từng loại.

Tuy nhiên, trong phiên sơ thâm vào sáng ngày 30/10, bị cáo Trương Huy Liệu đã trình bày trước tòa và bác bỏ các căn cử truy tố mình và vợ là Lê Thị Dung là không hề buôn lậu.

Việc kê khai nhập khẩu lô gỗ như cáo trạng truy tố là thiếu căn cứ, thiếu thuyết phục. Các chứng cứ mà cơ quan điều tra truy tố Công ty Ngọc Hưng buôn lậu có những mâu thuẫn hết sức phi lý.

Cụ thể, Theo khai báo của bị cáo Trương Huy Liệu tại tòa, Cty Ngọc Hưng kê khai và làm thủ tục nhập khẩu 535,8 m3 trắc các loại từ Lào về Quảng Trị, Việt Nam. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT trưng cầu giám định với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hai lần ra hai kết quả khác nhau: lần đầu 453,103 m3, lần sau 614,672 m3. Do đó, đây là một kết quả có vấn đề cần xem xét lại.

Mặt khác, sau khi làm thủ tục nhập khẩu 535,8 m3 gỗ trắc trên tại Hải quan Quảng Trị, Công ty Ngọc Hưng đã đóng thuế cho Nhà nước là 3,2 tỷ đồng. Do đó, không thể buộc tội bị cáo Liệu và những người liên quan về tội buôn lậu được.

Mặt khác, bị cáo Liệu cũng đã trình bày đầy đủ chứng cứ quá trình Công ty Ngọc Hưng mua gỗ từ Lào là có nguồn gỗ rõ ràng được thể hiện qua các hợp đồng mua bán.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ Luật Hình sự đối với 3 cán bộ Hải quan Đà Nẵng và Hải quan Cửa Việt, Quảng Trị.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét đối với 3 cán bộ hải quan gồm: Đỗ Lý Nhi (SN 1972, trú Đông Hà, Quảng Trị), cán bộ Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cửa Việt-Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị; Lê Xuân Khánh (SN 1962, trú Đông Hà, Quảng Trị), cán bộ Hải quan, Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo, Cục Hải quan Quảng Trị; Riêng ông Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú 16 Lê Vĩnh Huy, Hải Châu, Đà Nẵng), cán bộ Hải quan, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan Đà Nẵng được tại ngoại, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ được xét xử trong hai ngày 30 và 31 tháng 10. Chiều nay, TAND thành phố Đà Năng đang tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo và những người liên quan đến vụ án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Bảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN