Con đường tới nhà tù của 1 nữ phó GĐ

Sự kiện: Đằng sau song sắt

“Thôi thì một lần duy nhất tôi mở lòng, để được nhẹ nhõm hơn và biết đâu câu chuyện cuộc đời tôi sẽ là bài học cho những ai có ý định bước vào vết xe đổ của tôi…”, nữ phạm nhân mang án chung thân nói.

Chiêu lừa đảo tinh vi

Từ ngày nhập trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng, phạm nhân Nguyễn Thị Tố (48 tuổi ở Kiến An, Hải Phòng) sống khá trầm lặng, khép kín. Vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ luống tuổi luôn phảng phất nết u buồn nặng trĩu. Và cũng bởi những nét ấy, Tố trở nên thu hút hơn những phạm nhân khác.

Phải nhờ cán bộ quản giáo thuyết phục nhiều lần, Tố mới đồng ý về cuộc gặp với phóng viên. Song cuộc gặp ấy cũng chẳng mấy cởi mở, bởi Tố không muốn nhắc lại những sai lầm của mình.

“Thôi thì một lần duy nhất tôi mở lòng, để được nhẹ nhõm hơn và biết đâu câu chuyện cuộc đời tôi sẽ là bài học cho những ai có ý định bước vào vết xe đổ của tôi…”, nữ phạm nhân mang án chung thân nói.

Tố buồn bã kể, khoảng năm 2007, Công ty TNHH Quang Vinh do chồng là Phạm Văn Giang làm giám đốc là công ty có tiếng tăm ở Kiến An. Công ty này kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng và nhà nghỉ. Lúc đó, Tố phụ trách mảng kinh doanh nhà nghỉ và được chồng bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty vào tháng 7/2007.

Theo lời kể, người phụ nữ này sai lầm bắt đầu vào năm 2008, khi mà từ thành phố đến các vùng quê ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… rộ lên chuyện xuất khẩu lao động. Để được xuất ngoại, được đổi đời, người nghèo không ngần ngại tìm đến các trung tâm tư vấn xuất khẩu lao động, sẵn sàng thế chấp nhà cửa, vay mượn tiền ngân hàng, người thân để có tiền đặt cọc. Nắm bắt được tâm lý đó, Tố chuyển hướng làm từ kinh doanh nhà nghỉ sang môi giới xuất khẩu lao động để kiếm lời. Cũng từ đó, Công ty TNHH Quang Vinh có thêm nghề kinh doanh giới thiệu việc làm xuất khẩu lao động, mặc dù không đăng ký loại hình kinh doanh này lúc thành lập.

Với bề ngoài ưa nhìn, lại biết cách ăn diện nên trông Tố lúc nào cũng lịch lãm, đúng phong cách vợ một giám đốc doanh nghiệp giàu có. Có tài ăn nói, nên mỗi khi tư vấn giới thiệu việc làm cho người dân, Tố đưa ra những lời hứa “chắc như đinh dóng cột”. Tất cả những ưu điểm ấy khiến người phụ nữ này chẳng khó khăn chiếm được lòng tin tuyệt đối của những người dân chất phác. Vỏ bọc hoàn hảo của Tố giúp thị có thừa cơ hội giở mánh khóe làm ăn hết sức tinh vi, nhằm mục đích lừa đảo người lao động để chiếm đoạt tài sản.  

Tố bộc bạch, gần 2 năm (cuối năm 2006 đến tháng 3/2008), Công ty TNHH Trung Sao, do Nguyễn Bá Hoán (48 tuổi TP Bắc Ninh) làm giám đốc đã tìm được mối làm ăn với Công ty TNHH Quang Vinh. Qua mối làm ăn này, Tố được Nguyễn Bá Hoán ký hợp đồng xuất khẩu lao động, mặc dù công ty của Hoán không có chức năng xuất khẩu lao động. Thấy có vẻ dễ làm ăn, với cương vị là phó giám đốc một công ty làm ăn có tiếng ở Kiến An, Tố và Hoán tuyên truyền, quảng cáo với 22 đầu mối trung gian, đồng thời tuyên truyền trực tiếp đến những lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Mỹ.

Đi đến đâu, Tố cũng giới thiệu với những lời lẽ đường mật về việc Công ty TNHH Vinh Quang đã ký được 5 hợp đồng với Tim Trần Mộng Tuyên, quốc tịch Úc và Menon Hari quốc tịch Singapore về việc đưa người sang Mỹ lao động dưới hình thức du học tại Thái Lan và thực tập nghề tại Mỹ. Tố còn giới thiệu rằng thực hiện chương trình có sự tham gia của Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh và Luật sư quốc tế; chương trình này được Bộ Lao động – Thương binh xã hội cho phép và Bộ ngoại giao Thái Lan ký kết với Bộ ngoại giao Mỹ, giao cho Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan sẽ cấp Visa cho người lao động sang Mỹ…

Con đường tới nhà tù của 1 nữ phó GĐ - 1

Vẻ ngoài sáng sủa cùng với tài ăn nói giúp Tố dễ dàng che đậy hành vi lừa đảo.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của người lao động, Nguyễn Thị Tố cùng đồng bọn đã đưa ra những nội dung tuyên truyền hấp dẫn như: Thủ tục đơn giản, đi nhanh, lao động phổ thông, làm việc 5 ngày trong tuần, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, mức lương từ 14 – 19,5USD/giờ. Nếu làm thêm giờ thì được hưởng theo quy định của pháp luật Mỹ. Trong quá trình lao động được hưởng bảo hiểm y tế; thời gian thực tập nghề 3 năm, có thể gia hạn thêm 3 năm. Sau thời hạn 15 ngày mãn khóa học ngoại ngữ, không có visa nhập cảnh vào Mỹ, người lao động được hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nộp, không trừ bất cứ khoản tiền nào, thời hạn thanh toán là 30 ngày… Nhờ sự tuyên truyền rầm rộ, Tố đã vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai nếu được xuất khẩu lao động, khiến nhiều người dân nghèo đặt cả niềm tin vào thị.

Theo hồ sơ vụ án, thì ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp, Tố còn hợp đồng đăng quảng cáo sai sự thật trên một số tạp chí nhằm tạo dựng thêm niềm tin cho người lao động và che đậy cách làm ăn phi pháp của mình. Tuỳ theo từng thời điểm, khả năng và lòng tin của từng người có nhu cầu đi lao động, Hoán và Tố đứng ra trực tiếp thu tiền của người lao động, thông thường mức thu bình quân từ 5.000USD đến 25.000 USD mỗi người.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 3/2008 đến đầu năm 2010, Tố đã trực tiếp và thông qua các đấu mối giới thiệu việc làm khác, chiếm đoạt của 152 người lao động nghèo ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… có nhu cầu sang Mỹ với tổng số tiền 552.000USD và gần 1,4 tỷ đồng.

Bản án cho siêu lừa

Sau khi giao tiền cho Tố, những người lao động nghèo đều rơi vào cảnh chờ mãi không được đi học tiếng và làm tủ tục để xuất ngoại. Và rồi, việc làm ăn khuất tất của Tố và đồng bọn không lọt qua được con mắt nghiệp vụ của lực lượng công an. Tố bị bắt trong một vụ án liên quan đến đường dây lừa đảo đưa người lao động ra nước ngoài, được công an tỉnh Thái Bình phát hiện, bắt giữ vào đầu năm 2010.

Nghe tin Tố bị bắt, hàng trăm lao động ở khắp các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… đã ùn ùn kéo đến trụ sở công ty do Tố đảm nhiệm với hy vọng vớt vát chút vốn. Số tiền Tố chiếm đoạt được, thị đã dùng để chi tiêu cá nhân gần hết, nên chỉ hoàn lại cho người lao động được 28.500USD và trên 300.000.000 VNĐ...

Tháng 6/2010, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án trên ra xét xử. Đứng trước vành móng ngựa, Tố nói “mong tòa hãy giơ cao đánh khẽ” để thị có cơ hội làm lại cuộc đời. HĐXX đã tuyên phạt người phụ nữ này mức án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, những người bị hại không chấp nhận bản án đó, nên tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tối cao, Tố bị nâng hình phạt từ 20 năm lên chung thân.

Tròn 3 năm sống trong trại cải tạo, Tố chia sẻ, thị luôn dằn vặt. Vì lòng tham mà Tố đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh vỡ nợ, con cái phải bỏ học giữa chừng. Nhiều đêm mất ngủ, Tố lại mơ về mái ấm gia đình hạnh phúc với chồng và hai đứa con ngoan, hiền. Sau tất cả những sóng gió, vẫp ngã đã qua đi, giờ đây sống trong trong trại giam, Tố đã nhận thức được tội lỗi và tự nhủ với lòng mình là phải cải tạo tốt, hy vọng một ngày nào đó nhận được sự khoan hồng của pháp luật để trở về với gia đình.

Sau cuộc trò chuyện hiếm hoi mà Tố mở lòng ấy, Tố lại lầm lũi lê bước chậm chạp vào khu buồng giam. Sau song sắt nhà tù, người đàn bà đẹp, từng đầy những tham vọng tiền tài ấy đang phải trả giá bằng chính cuộc sống tự do. Nữ phạm nhân này vẫn khắc khoải hy vọng một ngày về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Linh (Tri Thức Trực Tuyến)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN