Chuyển tài liệu vụ án nghi oan 22 năm cho Chủ tịch Quốc hội

"Tôi đã chuyển tài liệu về vụ án có dấu hiệu oan sai 22 năm của Trần Văn Vót cho Chủ tịch Quốc hội, để Chủ tịch Quốc hội xem xét, đề nghị các cơ quan tư pháp của Quốc hội vào cuộc" - GS - TS Nguyễn Lân Dũng cho biết.

Chuyển tài liệu vụ án nghi oan 22 năm cho Chủ tịch Quốc hội - 1

 Cụ Trần Anh Điền (giữa) bố nạn nhân liên tục kêu oan cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh.

Thành lập tổ công tác liên ngành để xem xét vụ án

Ngày 13.8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, TAND Tối cao sẽ chủ trì thành lập Tổ công tác liên ngành để xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án kêu oan của Trần Văn Vót (Hà Nam).

Ông Sơn cho biết thêm, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và Bộ Công an. Hiện TAND Tối cao đã có công văn gửi các cơ quan trên để cử người của đơn vị tham gia vào tổ công tác.

Trao đổi với phóng viên, GS - TS Nguyễn Lân Dũng (Hà Nội, người đã gửi thư và tài liệu về vụ án Trần Văn Vót cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ) cho biết, GS cũng đã gặp và đưa tài liệu về vụ án Trần Văn Vót cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Quốc hội nói sẽ xem xét, đề nghị các cơ quan tư pháp của Quốc hội vào cuộc.

Trước đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, và Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện  KSND Tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ án Trần Văn Vót.

Bức thư của nhân chứng

Mới đây anh Trần Thanh Thu, nguyên quán ở làng Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đã có bức thư kể lại vụ việc ném lựu đạn. Anh Thu vừa là nhân chứng, vừa là người bị hại, thời điểm xảy ra vụ án anh 17 tuổi, hiện anh đang sinh sống ở TP. HCM.

Anh Thu cho biết, chiều 29.11.1992, giữa làng Thanh Nga và Nhân Phúc, xã Phú Phúc, có tranh chấp đất đai ngoài bãi. Ban đầu hai bên dùng đất ruộng ném sang nhau. "Đột nhiên tôi thấy một vật màu đen có khói xẹt được ném từ tay của một thanh niên khoác áo Nato (lúc đó tôi không biết anh ta tên gì, chỉ biết rằng anh này khoảng trên 30 tuổi, người nhỏ, gầy và trước đó anh ta luôn xỏ hai tay vào túi áo khoác, sau này mọi người nói tôi mới biết anh ta là C, con ông Th bên Thanh Nga). Tôi nhìn theo và thấy nó rơi ra phía sau chếch bên trái tôi. Ngay sau đó tôi nghe thấy một tiếng nổ inh tai và một chùm khói đen tỏa ra, nhiều người la hét bỏ chạy, tôi cũng nhìn thấy vài người gục xuống, lúc đó tôi vội chạy theo mọi người về hướng đê sông Hồng. Nhưng chạy được khoảng 30 mét thì tôi khuỵu xuống và không chạy được nữa"- anh Thu kể.

Anh Thu bị thương và được cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Nam Định. Một thời gian sau khi xuất viện, Công an tỉnh Nam Hà (cũ) có triệu tập anh Thu cùng một số người Lý Nhân và Lý Nội lên lấy lời khai tại trụ sở Công an tỉnh Nam Hà. "Tôi cũng đã khai những gì tôi đã chứng kiến. Tuy nhiên tất cả các phiên tòa xử vụ án trên tôi đều không được triệu tập với bất cứ tư cách nào, dù nhân chứng hay bị hại" - anh Thu cho biết.

Vụ án Trần Văn Vót xảy ra cách đây hơn 20 năm, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra vào ngày 29.11.1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương. Cơ quan điều tra xác định Trần Văn Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném khiến 1 người chết, 21 người bị thương.

Sau đó, Trần Văn Vót bị truy tố về 4 tội: “giết người”, “tàng trữ trái phép vũ khí”, “phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội” và “gây rối trật tự công cộng”. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi “giết người”.

Tháng 2.1994, Trần Văn Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì 4 tội trên, còn Trần Ngọc Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án, nhưng sau đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm.

Cho rằng bị kết án oan, bị cáo và gia đình liên tục kêu oan. Trong vụ án này, có điều lạ lùng là chính bố của bị hại Trần Văn Việt - cụ Trần Anh Điền (81 tuổi, ở xã Phú Phúc) cũng liên tục kêu oan cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh suốt hơn 20 năm qua. Chứng cứ mà cụ Điền đưa ra là Trần Ngọc Thanh không có mặt ở hiện trường thời điểm xảy ra vụ án. 4 công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang phía người dân Nhân Phúc.

Trần Văn Vót là người đã có 18 năm quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, Trần Văn Vót là bệnh binh mất 71% sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Lương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN