Chỉ nên khiển trách người chưa thành niên phạm tội?

Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đề xuất thay vì xử lý hình sự thì chỉ nên khiển trách, hòa giải tại cộng đồng… đối với người chưa thành niên phạm tội.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là khiển trách (Điều 91), hòa giải tại cộng đồng (Điều 92), giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93).

Hai quan điểm

Theo ban soạn thảo, xung quanh các bổ sung mới này đang có hai luồng ý kiến:

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc bổ sung biện pháp thay thế xử lý hình sự như trong dự thảo là cần thiết để tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Việc bổ sung này càng cần thiết đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt như người chưa thành niên theo hướng hạn chế khả năng đưa các em vào vòng tố tụng.

Luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69). Đồng thời, cần cụ thể hóa các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giúp các cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng để dễ dàng áp dụng.

Chỉ nên khiển trách người chưa thành niên phạm tội? - 1

Các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: H.T.D

Giữ nguyên quy định hiện hành?

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, các chuyên gia cũng có những quan điểm trái ngược.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), với quy định hiện hành thì cơ quan tố tụng đã đủ cơ sở để thực hiện việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều 70 Bộ luật Hình sự hiện hành cũng có quy định mang tính chất chuyển hướng xử lý, đó là quy định về hai biện pháp tư pháp có tính giáo dục và phòng ngừa là “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” và “đưa vào trường giáo dưỡng”.

Tuy nhiên, do thiếu các hướng dẫn cụ thể nên hai biện pháp tư pháp này rất ít được tòa áp dụng khi xét xử. Còn gia đình, cơ quan, tổ chức cũng không có căn cứ để có thể chủ động đề xuất việc nhận giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Thời gian qua số phận pháp lý của người chưa thành niên phạm tội thường gắn với những bản án tù giam hoặc tù treo, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, việc học hành... Do đó, vấn đề quan trọng cần đặt ra hiện nay là có các hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tố tụng mạnh dạn miễn trách nhiệm hình sự cũng như áp dụng các biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội.

Kiểm sát viên Nguyễn Văn Tùng (VKSND quận Tân Phú, TP.HCM) nhận xét: Hiện nay đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tính chất ngày càng nguy hiểm và manh động. Mặt khác, quy định như hiện hành thấy chưa có gì là bất cập. Cơ quan tố tụng vẫn xử lý theo hướng giáo dục, có xét xử thì ít áp dụng hình phạt nặng, cho hưởng án treo là nhiều. Hơn nữa, với người chưa thành niên phạm tội, điều quan trọng là giáo dục, còn xử lý chỉ là khâu cuối cùng. Cho nên cần chú trọng hơn đến biện pháp giáo dục, trước nhất là giáo dục ở gia đình, sau đó là đến nhà trường, xã hội.

Đồng tình, ThS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nhà nước và Pháp luật) bổ sung: Các nghiên cứu thực tiễn cũng cho thấy người chưa thành niên phạm tội thường thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường. Vì vậy, nếu cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự như dự thảo thì khó có hiệu quả mà nhiều khi còn tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Bổ sung biện pháp thay thế là hợp lý?

Trong khi đó, thẩm phán Nguyễn Văn Nhân (TAND tỉnh Bình Phước) nhận xét việc bổ sung các quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đảm bảo lợi ích tốt nhất của các em và chủ yếu nhằm mục đích giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luật sư Huỳnh Kim Ngân (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói việc xét xử liên quan đến người chưa thành niên hoàn toàn khác hẳn về tính chất, mức độ, hành vi với những người đã thành niên. Việc cụ thể hóa nhiều hình thức xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là cần thiết, tạo công cụ phong phú, đa dạng để cơ quan tố tụng áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Mặt khác, người chưa thành niên phạm tội có phần lỗi rất lớn từ gia đình và xã hội. Trong trường hợp chưa cần thiết khởi tố hay phạt tù thì các biện pháp giáo dục khác sẽ giúp cho họ sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia TP.HCM) cũng đề cao tính nhân đạo, hướng thiện của quy định mới này. Tuy nhiên, theo ông đây vẫn là những biện pháp tình thế bởi “vấn đề chính vẫn là giáo dục ý thức pháp luật, cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng sống cho người vị thành niên”.

Chưa hợp lý

Theo tôi, ba biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng với người chưa thành niên phạm tội là những biện pháp nhẹ hơn cả các biện pháp tư pháp và được áp dụng với các tội phạm nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng do vô ý. Các quy định này sẽ hạn chế tối đa việc xử lý bằng hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tuy nhiên, dự thảo cũng đã bỏ quy định miễn trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên phạm tội và thay bằng các biện pháp xử lý thay thế. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ hơn người chưa thành niên phạm tội nhưng lại làm nặng hơn trách nhiệm hình sự nếu như họ có vi phạm về nghĩa vụ của các biện pháp xử lý. Có những người chưa thành niên theo luật hiện hành thì được miễn trách nhiệm hình sự nhưng theo dự thảo thì lại không được miễn mà còn phải thực hiện một loạt nghĩa vụ kèm theo. Dự thảo có quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người đã thành niên nhưng lại không quy định chế định này với người chưa thành niên là bất hợp lý.

Ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

Rất ít trường hợp miễn trách nhiệm hình sự

Theo thống kê của TAND Tối cao, số người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt qua các năm vô cùng ít: Năm 2011 là 3/3.243 bị cáo, năm 2012 là 1/6.252 bị cáo, năm 2013 là 4/5.306 bị cáo và năm 2014 là 5/4.489 bị cáo.

Khoản 4 Điều 69 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định “khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của bộ luật này”. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, số người chưa thành niên phạm tội được áp dụng biện pháp tư pháp thay cho hình phạt cũng rất ít: Năm 2011 là 2/3.243 bị cáo, năm 2012 là 37/6.252 bị cáo, năm 2013 là 25/5.306 bị cáo, năm 2014 là 6/4.489 bị cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Loan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN