“Cao thủ” đánh tráo ở các hiệu cầm đồ

Từ đường Hai Bà Trưng (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Lê Văn Sỹ (quận 3), Nguyễn Kiệm, Quang Trung (Gò Vấp), TP.HCM có hàng chục hiệu cầm đồ. Các chủ cầm đồ tại đây sẵn sàng lách luật để cầm cố được những món đồ rẻ, nhiều món đồ trộm cướp cũng được “hợp thức hóa” từ những hợp đồng lỏng lẻo này. Và chính nhiều chủ hiệu cầm đồ đã bị các “cao thủ” lừa quả đắng.

Ông Trương Văn Tống, ở phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM có khoản tiền nhàn rỗi, thường cho người quen vay nóng hoặc cầm hộ vài món đồ của mấy tay đá gà. Tháng trước, có 4 thanh niên đến nhà ông nói có anh A giới thiệu, nhờ cầm 1 dây chuyền, 1 lắc đeo tay khoảng 3 lượng. Ông Tống và khách đã ra hiệu vàng quen ở chợ Cầu, quận 12 để xác định tuổi và khối lượng vàng. Sau khi được chủ hiệu vàng xác nhận vàng 24K 3,5 lượng, ông Tống chấp nhận cầm cố 80 triệu đồng, lãi 4%, hẹn sau 15 ngày nếu không đến lấy sẽ “khóa” sổ. Trong lúc ông Tống đang viết biên nhận và đếm tiền, đám thanh niên đề nghị ông Tống niêm phong số vàng vào một phong bì. Rất nhanh, họ lấy 1 phong bì trong túi và bỏ số vàng vào trong đó. Ông Tống khá cảnh giác, kiểm tra lại số vàng xem có đúng không bởi trước đó, ông đã dán một miếng logo ông tự làm bao quanh dây chuyền và chiếc lắc.

Sau khi người khách dán kín, ký lên chiếc phong bì, ông Tống nhận lại số vàng và giao tiền. Chưa đầy nửa ngày, 4 người khách quay lại xin chuộc đồ, họ nói vừa trúng độ. Ông Tống không nghi ngờ, kiểm tra lại tiền cộng thêm 200.000 đồng “cảm ơn” của khách rồi giao phong bì chứa vàng. Khi cầm phong bì, bất chợt, người khách có điện thoại, anh ta đứng lên và nói chuyện một hồi về tài xỉu gì đó rồi quay lại nói với ông Tống: “Thôi, chú cho con vay lại số tiền vì bọn con có kèo mới…”. Ông Tống đưa cho 4 người thanh niên tờ biên nhận và 80 triệu đồng, nhận lại chiếc phong bì. Thế rồi hơn 20 ngày sau, không thấy mấy thanh niên đến nhận, ông Tống mở phong bì, mới ngã ngửa, số vàng đã bị tráo đổi từ lúc nào…

Bà Phạm Thương Huyền, ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 cho biết: Do gia đình làm nghề vàng lâu năm, nên bà mở cầm đồ các loại vàng trang sức. Ngày 5-3, một thanh niên đến cầm đồ: “Em kẹt tiền, chị cho em thế mấy món này”. Người đó bày ra chiếc vòng đeo tay và đôi khuyên tai lấp lánh. Quan sát thấy nữ trang còn mới nguyên, đóng dấu “K.M” - thương hiệu độc quyền của hiệu vàng nổi tiếng tại TP.HCM, chị Huyền cẩn thận kiểm tra lại trên máy và đo tuổi, xác nhận vàng thật và giao 3 triệu đồng cho khách. Mấy ngày sau, 1 thanh niên khác cũng đến cầm cố 2 chiếc vòng đeo tay 6,2 chỉ vàng 18k. Sau khi kiểm tra kỹ, chị Huyền chấp nhận cầm. Tuy nhiên nhiều ngày sau, quá hạn không thấy khách đến chuộc, chị Huyền đưa về xưởng số vàng chế tác lại. Lúc này chị mới phát hiện vàng giả. Đối tượng đã lấy lõi kim loại, phủ thêm 1-2 lớp vàng 18k ra ngoài, cân nặng vẫn đủ, ngay người nhiều kinh nghiệm làm vàng cũng không phát hiện được…

Ông Lê Thanh Sang, chủ hiệu cầm đồ Út Sang trên đường Kha Vạn Cân, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đến trình báo công an địa phương. Tuần trước, một thanh niên dáng vẻ sang trọng đi trên chiếc ô tô đời mới dừng trước cửa hiệu và ôm vào 5 hộp máy tính bảng Ipad 3 còn nguyên bì. Người thanh niên này cho biết đang cần tiền đặt cọc lô hàng máy iPhone 5 nên cắm số máy này để lấy 40 triệu đồng và hứa sau vài ngày sẽ chuộc lại... Ông Sang chấp nhận cầm số máy tính bảng và mở thử 1 hộp kiểm tra, thấy máy vẫn mới nguyên, nên viết biên lai giao tiền cho người thanh niên. Mãi không thấy vị khách trở lại, nghi có chuyện, ông Sang mở các hộp máy ra thì mới phát hiện bên trong toàn gạch được buộc gói hết sức tinh vi...

Chị Hà Thị Tuyết Mai, ở Thảo Điền, quận 2 cho biết: Cuối tháng 3-2013, có 3 thanh niên đem 2 chiếc điện thoại iPhone 5 và 3GS đến muốn cầm cố vì thua bạc. Sau khi đồng ý cầm với giá 10 triệu đồng... nhóm thanh niên đề nghị lấy băng keo bao quanh điện thoại để tránh bị tráo máy, “luộc” đồ. Thấy yêu cầu của khách hợp lý, chị Mai đã lấy băng keo đưa cho khách dán và ký. Kiểm tra chính xác đảm bảo máy vẫn là hàng xịn, chị Mai giao tiền và nhận 2 chiếc điện thoại. Vài giờ sau, 3 người này quay lại đòi chuộc máy nhưng sau một hồi cãi nhau chuyện đặt cửa cá độ, họ đổi ý không chuộc nữa rồi bỏ đi. Buổi tối khi kiểm tra lại camera an ninh, khi chị Mai đưa điện thoại cho 1 người, đám thanh niên lập tức to tiếng, gã thanh niên đã nhanh tay đưa 2 chiếc điện thoại xịn ra sau lưng loay hoay mấy giây rồi lại đưa lên trước. Thấy có biểu hiện khác thường, chị Mai kiểm tra lại 2 chiếc điện thoại, mới phát hiện là điện thoại Trung Quốc. Sự việc trên, chị Mai đã báo CAQ 2 theo dõi, điều tra và nhiều ngày sau, 1 nhóm thanh niên khác cũng với chiêu thức tương tự đến cầm cố điện thoại ở cửa hàng chị Mai, đã bị các trinh sát phát hiện, bắt gọn.

Theo số liệu của Sở KH-ĐT TP.HCM, cả thành phố hiện có 2.600 hiệu cầm đồ được cấp phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, sau đó doanh nghiệp hoạt động như thế nào thì lại do các đơn vị chức năng trên địa bàn quận, huyện theo dõi quản lý. Tại các khu vực quận Thủ Đức, Bình Thạnh, rất nhiều hiệu cầm đồ chui sau khi cầm cố các tài sản của sinh viên, công nhân lao động tại một số khu công nghiệp, trường đại học nhiều xe máy, laptop, máy ảnh… đã biến mất khỏi địa bàn. Đa phần là loại hình hộ kinh doanh nên trình tự và thủ tục đăng ký dễ dàng, đơn giản. Khi có sai phạm bị xử lý, chủ cửa hàng có thể đăng ký mới đứng tên người khác và tiếp tục hoạt động. Đối với hành vi cầm cố tài sản do phạm tội mà có, chủ hiệu cầm đồ chỉ bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6-9 tháng nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn đối với những đối tượng ham lợi bất chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng số vụ vi phạm trong hoạt động này với tính chất phức tạp, khó kiểm soát hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Hùng - Bảo Lâm (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN