Các luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ "đại án" Agribank

Sự kiện: Tin pháp luật

Sau 4 ngày xét xử, hôm qua (25/12), đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội đã luận tội, đề nghị mức án lên đến 22 năm tù đối với cựu Tổng giám đốc Agribank - Phạm Thanh Tân. Trong khi đó, các luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Các luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ "đại án" Agribank - 1

Kiểm sát viên khẳng định có đủ cơ sở kết tội các bị cáo. Ảnh chụp qua màn hình.

Giám đốc chi nhánh bị đề nghị 30 năm

Theo kiểm sát viên, quá trình điều tra vụ án và diễn biến trong phiên xử, có đủ căn cứ khẳng định nội dung truy tố trong cáo trạng là đúng. Các bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt lớn đối với tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống tài chính, mất niềm tin của người dân đối với các ngân hàng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) bị xác định đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia toàn bộ quá trình cho vay sai quy định, phải chịu trách nhiệm về thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng của Chi nhánh Nam Hà Nội. Cũng theo kiểm sát viên, bị cáo Lương thiếu thành khẩn nên cần xử lý nghiêm khắc. Cấp phó Chử Thị Kim Hiền bị xác định giúp sức tích cực cho bà Lương, phải liên đới chịu trách nhiệm về 2.000 tỷ đồng thiệt hại. Đối với cựu Tổng giám đốc Agribank – Phạm Thanh Tân, cơ quan truy tố  khẳng định, ông Tân đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Agribank, hậu quả do bị cáo Tân gây ra nằm trong tổng thiệt hại với Cty liên doanh Lifepro Việt Nam.

Đại diện cơ quan truy tố đề nghị đến 22 năm tù đối với bị cáo Phạm Thanh Tân (cựu Tổng giám đốc Agribank); 30 năm tù đối với Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền. Các bị cáo còn lại nhận mức án đề nghị từ 36 tháng đến 16 năm tù.

Cán bộ ngân hàng bị lừa?

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Thị Bích Lương cho rằng bị truy tố theo 2 tội danh Vi phạm quy định về cho vay và Lợi dụng chức vụ quyền hạn là chưa thỏa đáng. Bà Lương chỉ thừa nhận đã thiếu trách nhiệm vì đã quá tin tưởng vào cơ quan chức năng.

 Ở hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền cho vay, bà Lương cho hay, đã làm đúng các quy định trong ngành ngân hàng.

Bào chữa cho bị cáo Lương, luật sư Nguyễn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hậu quả vụ án do các đối tượng người nước ngoài gây ra, bà Lương và ngân hàng chỉ là nạn nhân bị lừa đảo. Cũng theo luật sư Chiến, ngay bản cáo trạng cũng khẳng định hành vi lừa đảo của các đối tượng ở nước ngoài. Do vậy, khi chưa bắt được các đối tượng này nhưng lại quy kết cho bị cáo Lương và các bị cáo khác phạm tội là chưa đầy đủ, thuyết phục. Cũng theo luật sư Chiến, hiện có 80 triệu USD trong tài khoản các đối tượng nước ngoài nhưng các cơ quan tố tụng chưa phong tỏa được là một thiếu sót.

Từ những lập luận này, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tương tự, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Lương) cho rằng cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều nội dung chưa được làm rõ.

Theo luật sư Phúc, trong vụ án có nhiều tài liệu liên quan thể hiện bằng tiếng nước ngoài, chưa được dịch ra tiếng Việt. “Đây là một thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng” – bà Phúc khẳng định. Cũng theo luật sư Phúc, việc cơ quan tố tụng tách các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài ra khỏi vụ án, qua đó xét xử nhóm các bị cáo hiện tại là không đầy đủ.

 Luật sư Phúc cho rằng, bị cáo Lương không phạm tội Vi phạm quy định về cho vay và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Về khoản “lại quả” 3 tỷ đồng từ doanh nghiệp, bị cáo Lương cho rằng không chỉ đạo bà Hiền liên hệ với Lê Minh Hiếu (lãnh đạo các doanh nghiệp Lifepro Việt Nam), và Hiếu cũng chỉ là nạn nhân của trò lừa đảo từ đối tác nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thắng (Tiền Phong)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN