Buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung

Thảo luận về Bộ luật tố tụng hình sự sáng nay, 17.6, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) thống nhất cao với quy định dự thảo Bộ luật đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng bức cung, nhục hình trong tố tụng: Phải ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung.

Là ĐB phát biểu đầu tiên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị, cần lắp camera tại nơi hỏi cung để ghi âm, ghi hình, và coi đây là một chứng cứ quan trọng. Bà Nga phân tích: Tại phiên chất vấn về giám sát oan sai, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đồng tình và cho biết hiện cơ quan công an đã lắp camera ghi âm, ghi hình tại một số nơi khi thực hiện hỏi cung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết vì chưa có kinh phí nên chưa lắp đồng bộ được và kiến nghị Quốc hội xem xét cấp kinh phí.

Buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung - 1

ĐB Lê Thị Nga

"Báo cáo giám sát về tình hình oan sai, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội cho lắp camera để ghi âm ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung để chống bức cung nhục hình. Đến nay 3 cơ quan tố tụng là Công an, Kiểm sát, Tòa án cũng đã thống nhất. Cơ quan thẩm tra cũng đã đồng tình. Tôi cho rằng sự đồng thuận đó đủ để ta luật hóa vấn đề này. Còn nếu nói không có kinh phí thì phải nói rõ kinh phí là bao nhiêu"?, bà Nga đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) - Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên cho rằng: Luật quy định rõ khi hỏi cung phải ghi âm, ghi hình là tiến bộ, thể hiện khi hỏi cung có sự công khai, minh bạch và dễ giám sát. Điều băn khoăn nhất chính là nguồn kinh phí cho tất cả các cuộc ghi âm khi hỏi cung.

"Nếu bảo vệ được quyền con người, chống được bức cung nhục hình thì tốn kinh phí đến mấy chúng ta cũng phải xem xét. Tại buổi thảo luận ở tổ, rất nhiều lãnh đạo địa phương nói rằng nếu bảo vệ được quyền con người và chống bức cung nhục hình thì sẵn sàng bỏ kinh phí để lắp. Vì vậy chúng ta cần xem xét", ông Học nêu quan điểm.

Nhất trí hoàn toàn chủ trương ghi âm ghi hình đối với tất cả các trường hợp, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) phân tích: "Ngoài việc chống bức cung nhục hình thì việc ghi âm ghi hình còn giúp cho cơ quan tố tụng trong trường hợp bị phản cung. Khi ra tòa bị cáo nói bị bức cung, nhục hình thì băng ghi âm, ghi hình chính là bằng chứng để bảo vệ cho người thi hành tố tụng. Không ai thích thú gì khi đang làm việc mà bị theo dõi, ghi lại, nhưng để những tránh sai sót như vừa qua thì nên áp dụng. Dù có tốn kém, nhưng khả thi".

Buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung - 2

ĐB Vũ Xuân Trường

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Phú Thọ) khẳng định việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là hoạt động đổi mới mang tính đột phá, làm tăng tính minh bạch. “Vì tình trạng mớm cung, dùng nhục hình trong thời gian qua không chỉ đối với bị can ngoan cố, cứng đầu mà còn được áp dụng với cả người có trình độ học thức thấp”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), sau khi thể hiện sự thống nhất cao với quy định này của dự thảo thì phân tích thêm: “Có ý kiến cho rằng nếu bắt buộc ghi âm ghi hình 100% các cuộc hỏi cung thì tốn kém. Nhưng theo tôi, đây là việc ảnh hưởng tới quyền cao nhất của con người nên dù có tốn kém cũng phải làm, vì có như thế mới thể hiện sự văn minh của nền tư pháp mà chúng ta đang hướng tới. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì việc tiến hành ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, sao lưu các cuộc hỏi cung cũng không phải là quá tốn kém và khó khả thi”.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) ngoài ra còn đề nghị phải có phòng kính bên ngoài phòng hỏi cung để giám sát quá trình hỏi cung và cả quá trình ghi âm, ghi hình hỏi cung.

Buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung - 3
ĐB Nguyễn Ngọc Phương

Trong Tờ trình về Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, về nội dung ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 174) có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị: Ngoài quy định phải lập biên bản như hiện nay, cần quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Đồng thời, đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị: Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, quy định như ý kiến thứ nhất sẽ rất khó bảo đảm. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành: Có thể ghi âm hoặc ghi hình khi xét thấy cần thiết. Trường hợp nào được coi là cần thiết sẽ do cơ quan tố tụng cân nhắc, quyết định.

Thay mặt Ban soạn thảo, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định dự thảo thể hiện theo ý kiến thứ nhất, nghĩa là bắt buộc phải ghi âm ghi hình 100% các vụ hỏi cung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Phong ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN