Bóc trần mánh khóe lừa, "quỵt" tiền môi giới việc làm

Để người lao động tin tưởng nộp tiền, Kiên và nhân viên của mình viết phiếu thu tiền có đóng dấu, nhưng sau đó hủy ngay để tránh khiếu kiện.

Chủ văn phòng môi giới việc làm “chui” từng là nạn nhân bị lừa

Như đã thông tin, Công an quận Thanh Xuân (TP.Hà Nội) đang điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 2 đối tượng: Lê Trung Kiên (24 tuổi, trú Đông Đô, Hưng Hà,Thái Bình) và Trương Thị Thu Hiền (19 tuổi, quê ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội).

Bóc trần mánh khóe lừa, "quỵt" tiền môi giới việc làm - 1

Kiên và Hiền tại cơ quan điều tra.

Theo cơ quan điều tra, Kiên không hề có khả năng xin việc hoặc tạo việc làm nhưng đã lập “văn phòng” môi giới để lừa đảo tiền của người có nhu cầu tìm việc làm. Hành vi của các đối tượng đã bị Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân và Công an phường Hạ Đình (Thanh Xuân) điều tra, phát hiện.

Theo điều tra, Kiên từng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo môi giới việc làm sau khi tìm việc làm qua mạng. Tuy nhiên, sau khi bị lừa, Kiên lại tìm hiểu phương thức hoạt động của các đối tượng lừa đảo môi giới việc làm để đi lừa đảo người khác lấy tiền.

Một điều tra viên cho biết, những đối tượng lừa đảo việc làm như Kiên thông thường chỉ thuê nhà mở “văn phòng” trong vòng 1 tháng, thậm chí ít hơn, sau đó chuyển đi nơi khác để “trốn” bị hại. Vì vậy, người lao động khi đi xin việc cần phải tìm hiểu kỹ nơi tuyển dụng có đăng ký kinh doanh hay không, có khả năng xin hoặc tạo việc làm hay không.

Kiên thuê ngôi nhà ở số 5, ngõ 214 Nguyễn Xiển (Hạ Đình) để làm “văn phòng” môi giới việc làm Nhật Minh. Tuy nhiên, “văn phòng” của Kiên không hề được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Kiên cũng không treo biển hiệu nào cho thấy đây là văn phòng môi giới việc làm.

Để những người lao động tin đây là văn phòng môi giới, Kiên mua bàn ghế, bài trí sổ sách như một văn phòng làm việc. Ngoài ra, Kiên còn thuê hai người làm nhân viên, trong đó có Trương Thị Thu Hiền.

Hiền là người phụ trách sổ sách, thu chi và tư vấn công việc lừa người lao động. Người còn lại làm nhiệm vụ đón đưa người lao động đến “văn phòng” và kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ “văn phòng”.

Viết phiếu thu, đóng dấu rồi phi tang luôn

Theo điều tra, sau khi lập “văn phòng”, Kiên cùng đồng bọn đã phát, dán tờ rơi ở các quận, huyện của TP.Hà Nội và nhiều tỉnh phía bắc như Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình…, trong đó có cả những vùng nông thôn.

Trong tờ rơi quảng cáo tuyển dụng, Kiên đưa thông tin “Cần tuyển gấp 5-10 nhân viên đóng gói bánh kẹo, bán xăng dầu với mức lương 5-6 triệu/tháng. Ngoài ra, người lao động được ăn, ở miễn phí". Đặc biệt, Kiên quảng cáo có thể xin cho người lao động làm việc gần nhà.

Cùng với đó, Kiên ghi một tên giả và số điện thoại của mình trên tờ quảng cáo tuyển dụng để người lao động có nhu cầu tìm việc sẽ liên lạc.

“Ở mỗi vùng, Kiên lại ghi lên tờ quảng cáo tên giả và số điện thoại khác nhau. Khi làm việc, tư vấn với người lao động tại “văn phòng”, Kiên lấy tên là Hoạt, trong khi Hiền lấy tên Hà”, một điều tra viên cho biết.

Trước công việc và chế độ đãi ngộ Kiên quảng cáo, rất nhiều lao động, trong đó có những người nghèo ở vùng nông thôn, đã “mắc câu”.

Khi người lao động liên hệ để xin việc, Kiên sẽ hướng dẫn qua “văn phòng” ở đường Nguyễn Xiển. Với những lao động ở nông thôn, Kiên sẽ hẹn ra bến xe hoặc trạm xe buýt, sau đó cho nhân viên ra đón về “văn phòng”.

Tại đây, Kiên hoặc Hiền sẽ lấy tên giả tư vấn cho người lao động ,sau đó yêu cầu nộp tiền làm hồ sơ.

“Các đối tượng thường yêu cầu người lao động nộp từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng tùy theo công việc. Có trường hợp người lao động không đủ tiền, hoặc thậm chỉ có 50 nghìn, các đối tượng vẫn thu rồi hẹn lần sau đến nộp thêm. Để người xin việc tin tưởng các đối tượng làm ăn chính đáng, Kiên và Hiền viết phiếu thu tiền, đóng dấu “đã thu tiền”. Tuy nhiên, phiếu thu này các đối tượng không giao cho người nộp tiền mà giữ lại, sau đó hủy hết để tránh khiếu kiện”, một điều tra viên cho hay.

Sau khi thu tiền, Kiên và Hiền sẽ hẹn người lao động 4 ngày sau quay lại nhận việc. Tuy nhiên, khi người lao động quay lại nhận việc làm, các đối tượng tìm cách thoái thác hoặc tắt điện thoại.

Theo cơ quan điều tra, đã có khoảng 30 trường hợp trở thành nạn nhân của Kiên và đồng bọn. Trong đó, nhiều người là lao động ở nông thôn có kinh tế khó khăn.

“Kiên và đồng bọn lừa người lao động nhưng không thu số tiền lớn. Vì vậy, nhiều nạn nhân ở xa như Thái Bình, Hòa Bình… sau khi bị lừa đã không đến cơ quan công an trình báo vì số tiền mất không lớn. Nếu tới cơ quan điều tra trình báo, họ lại tốn thêm chi phí đi lại. Có nạn nhân ở các tỉnh xa lại có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi phải lấy tiền cá nhân để hỗ trợ họ chi phí đi lại”, một điều tra viên chia sẻ.

Cơ quan điều tra Công an quận Thanh Xuân thông báo, ai là bị hại của các đối tượng trên, liên hệ tới Công an quận Thanh Xuân theo số điện thoại: 04.38585623; 0973335566 (gặp đồng chí Trung) để được giải quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN