Bi hài “kỳ án tranh chấp con gà mái”

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thới, 26 tuổi, Trưởng ban nhân dân khóm 4 (phường Tân Thành, TP. Cà Mau) cho biết anh cảm thấy nhẹ nhõm vì “hổng ngờ con gà mái hư hỏng ấy làm chuyện bé xé to khiến tui trăn trở, nhiều đêm suy tư, mất ngủ…”. Anh trưởng khóm trẻ tuổi cười xòa khi kể câu chuyện tranh chấp con gà mái giữa hai gia đình cùng khóm vừa hòa giải thành công.

Đâm đơn đòi gà

Đầu tháng 10/2013, chị Hai Hạnh đâm đơn nhờ Ban nhân dân khóm 4 can thiệp đòi lại con gà mái cùng 6 gà con đã bị hàng xóm - là mẹ con chị Út Tứ (cùng khóm 4) bắt nhốt làm của riêng.

Trong đơn, chị Hạnh trình bày: chiều 1/10, chị rước con đi học về tới nhà thì thấy chị Tứ cùng mẹ chồng qua đám bố (mọc giữa khoảng đất trồng ranh đất hai nhà) lùa mẹ con bầy gà của nhà chị.

Bị chị Hạnh phản ứng, mẹ con chị Tứ bỏ về. Sáng hôm sau, mẹ con chị Tứ tiếp tục qua lùa gà. Chị Hạnh nghe nên thức giấc, nói “để tui đưa con đi học về rồi tính, chuyện đâu còn đó”. Nhưng khi về lại nhà, con gà mái mẹ và 6 gà con đã chuyển qua nhà chị Tứ. 

“Tui qua tận bển thấy bầy gà bị cột lại sau nhà thiếm Tứ. Bên đó (nhà chị Tứ) nói gà của mình đi lạc nên bắt đem về. Ức quá tôi đâm đơn đòi gà”, chị Hai Hạnh ấm ức, thuật lại.

Ngày 14/10, phóng viên tìm đến hai gia đình đang có tranh chấp bầy gà để nắm rõ nguồn cơn. Chị Tứ quả quyết số gà vừa lùa về là của nhà mình. Chị kể, nhà chị nuôi gà hơn chục năm qua, cao điểm có hàng chục gà lớn - nhỏ. Gần đây bận bịu con nhỏ nên nghỉ nuôi gà bán thịt nhưng gà gầy giống ở nhà cũng còn 6 con (cả trống và mái) và hơn chục gà con. Về nguồn gốc con gà mái mà chị Hạnh nói của mình, chị Tứ cho biết chị Hạnh tham lam, gà của chị qua đất bên đó dạo chơi rồi bị chị Hạnh bắt nhốt làm của riêng.

Bi hài “kỳ án tranh chấp con gà mái” - 1

Chị Út Tứ ôm con gà được cho đã đi lạc qua nhà chị Hạnh

“Kẻ tám lạng, người nửa cân”

Chị Tứ dẫn chứng rằng, con gà mái ấy được gầy giống từ bầy gà con trước đây, nuôi được gần 3 năm. Con gà mái ấy bị mấy gà mái nuôi cùng ăn hiếp, “đánh” không lại nên đi hoang rồi đẻ bậy ngoài đám chuối (kế đám bố) của gia đình, thỉnh thoảng tới giờ ăn, gà mái mới chạy về nhà rồi tiếp tục đi ấp trứng.

Chị Tứ không đi tìm vì biết gà có đi đâu cũng về nhà. Ngày nọ, chị Tứ nghe gà mái tục tác quá lớn, sợ chó mèo rượt gà đang ấp nên ra đám chuối coi thử thì thấy gà mái ấp nở 4 trứng nên lùa nguyên gà mẹ và gà con về, nhốt riêng trong lồng không để đám gà mái khác hè nhau hiếp đáp.

Bẵng đi một thời gian, con gà mái (được tranh chấp) ấy tiếp tục bỏ nhà đi hoang như lần trước. Bận bịu chăm nom con còn nhỏ nên chị Tứ ít thì giờ chăm gà. Chị Tứ kể do đinh ninh trong bụng là gà của chị đã có kinh nghiệm đi bụi đời, đẻ hoang, miễn nó còn tục ta tục tác là biết nó quanh quẩn quanh nhà, không sợ mất. Chị cho hay: “Gần hai tháng trước, tui không nghe gà kêu như mọi khi nên đi tìm nhưng không gặp, tưởng nó bị kẻ xấu làm thịt. Hơn nửa tháng sau đó, tui ngồi đưa con ngủ thì bất ngờ nghe nó kêu nên rủ mẹ tôi đi kiếm. Phát hiện gà của tui đi lạc, đang ‘nằm ổ’ phía sau đống cừ tràm nhà chị Hạnh nên tui và má tui qua lùa về.”

Chị Hạnh cũng trình bày, con gà mái tranh chấp được mẹ chồng cho cách đây khoảng 2 năm. Chị Hạnh kể, hồi giữa tháng 9 vừa rồi mưa quá nhiều nên chị dựng mấy tấm tôn để che nước mưa cho rổ gà, sợ nước mưa làm hư ổ trứng. “Nó ấp trứng nở mới vài hôm thì bị nhà thiếm Tứ bắt về”, chị Hạnh nói.

Bi hài “kỳ án tranh chấp con gà mái” - 2

Nhà chị Hai Hạnh (ngói đỏ) và đám bố cặp ranh đất giữa nhà chị Hạnh và chị Tứ.

Ban nhân dân khóm 4 hay tin hàng xóm láng giềng lục đục chỉ vì con gà mái nên khuyên can nhưng nhiều ngày liên tục, hai gia đình tranh chấp gà không ai chịu nhường nhịn.

Chị Tứ cho rằng, gà nhà chị có cắt lông đuôi làm dấu, gà có đi lạc cả tháng lông đuôi cũng mọc không kịp. Chị cũng chỉ ra bất hợp lí là chị Hạnh nuôi gà lâu năm mà không có gà trống, cũng không làm chuồng, làm ổ cho gà ở. “Hôm tui và má qua lùa gà, chị Hạnh chứng kiến nhưng làm ngơ, chỉ nói mất con nào đền con đó chứ hổng phải như lời chị Hạnh nói trong đơn là có ngăn cản. Chú nhà báo nhắm coi, nếu hổng phải gà của nhà tui đi lạc thì lá gan tôi có to cỡ nào cũng hổng dám qua nhận bừa, nhận bãi rồi lùa gà của chị Hạnh về nhà mình”, chìa con gà mái có cắt lông đuôi vừa lùa về, chị Tứ chắc giọng cho biết.   

Trong khi đó, chị Hạnh trước sau cho rằng, gà nhà chị không có cắt đuôi mà đuôi gà vừa bị mẹ chị Tứ cắt sau khi lùa gà về nhà. Chị Hạnh bức xúc: “Cái dấu cắt còn mới tinh vậy mà nói cắt lâu, làm như tui là con nít”.

Nghe hiệu lệnh… thả gà ra “ranh giới”

Tiếp chuyện cùng chúng tôi, chị Hạnh nói Ban nhân dân khóm 4 không giúp chị đòi lại công bằng, chị sẽ gửi đơn lên cấp cao hơn, có ra tòa, chịu án phí cao cỡ nào chị cũng theo, nhất quyết không chịu bị mất bầy gà oan ức. Chị Hạnh tỏ vẻ bực bội: “Cơ ngơi nhà tui có thiếu thốn thứ gì mà đi tham lam có mấy con gà”.

Bi hài “kỳ án tranh chấp con gà mái” - 3

Chị Hai Hạnh kể lại chuyện mất gà và chỉ nơi gà nhà mình làm ổ đẻ ra 6 cái trứng đã bị nhà chị Tứ lùa về.

Về phần chị Tứ, chị nói rằng, gà của nhà chị nên chị bắt về, không thưa kiện ai hết, cũng không muốn gây thù chuốc oán với ai. Chị Tứ cũng nhìn nhận, con gà mái nhà chị quá hư hỏng, có “tiền sự” đi đẻ hoang. Chị nói: “Lúc biết gà nằm ổ nhà thiếm Hạnh, tui định lùa gà mái về, biếu lại cho nhà chị ấy bầy gà con. Dù gì chị Hạnh cũng có công dưỡng, chăm sóc dùm gà mái nhà tôi. Song, mẹ con chị Hạnh hung dữ quá, qua nhà tui lớn tiếng, nặng nhẹ hoài nên tui bực, không tình nghĩa, biếu xén gì nữa”. 

Ngay khi tiếp nhận đơn của chị Hạnh, Ban nhân dân cùng đoàn thể khóm 4 xuống hai nhà khuyên giải nhưng hai bên không ai chịu nhường nhịn.

Một ngày sau khi tiếp nhận đơn, Ban lãnh đạo khóm tiếp tục hòa giải và thất bại. Sau ngày ấy, chị Hạnh tiếp tục gửi đơn với nội dung tương tự lá đơn đầu tiên, nhờ UBND phường Tân Thành can thiệp giúp mình.

UBND phường Tân Thành chỉ đạo Ban nhân dân cùng đoàn thể khóm 4 phải dàn xếp, hòa giải thành công ở khóm vì cho rằng vụ việc quá nhỏ. Để có biện pháp hòa giải hợp tình hợp lí, trưởng khóm 4 tham khảo nhiều bậc cao niên địa phương, nghĩ kế hòa giải cho êm xuôi.

Ngày 15/10, Ban nhân dân khóm 4 chính thức hòa giải lần 2. Chiều hôm đó, sau một hồi phân tích, thuyết phục, Ban hòa giải khóm 4 đưa ra giải pháp là bắt cả gà mẹ và gà con mà chị Tứ đang tạm giữ mang ra đám bố nằm giữa ranh đất 2 nhà. Nếu gà đi về nhà ai thì thuộc sở hữu nhà đó, 2 bên phải bắt tay làm hòa, bỏ qua mọi chuyện hiềm khích.

Phương án này được chị Hạnh và chị Tứ đồng thuận. Khi được thả ra, gà mẹ và gà con kiếm ăn và đi thiên về hướng đất gia đình chị Tứ. Chuyện tưởng khép lại vì biết gà đã thuộc về nhà chị Tứ nên ban hòa giải về trụ sở. Nhưng tình huống trớ trêu phát sinh vì chị Tứ không bắt gà về nhà mà cứ để gà tự do tung tăng cùng đàn con.

Không biết còn ấm ức như thế nào mà chị Hạnh vác dao ra dọn cỏ, chặt đám bố, đám chuối ngay khu đất trống giữa hai nhà. Động thái ấy của chị Hạnh làm gà mái hoảng sợ, bay tứ tung. Người của khóm 4 biết chuyện lại đến nhà mềm mỏng, khuyên ngăn. Hai hôm sau khi hòa giải xong vụ con gà mái, anh Thới điện thoại cho hay, vụ con gà đã êm đẹp. Cả gà mái và bầy gà con sau đó đã được chị Tứ bắt về nhà nhưng lại đã biếu cho một người hàng xóm.

Chuyện tranh chấp con gà coi như khép lại. Song, quá trình tìm hiểu để viết bài này, chúng tôi được biết gia đình chị Hạnh và chị Tứ thuộc diện có của ăn của để ở địa phương, có nhà cửa khang trang. Chồng chị Hạnh là thầu xây dựng; chồng chị Tứ công tác ở ngành thuế. Vùng thôn quê thường trọng danh dự, nếu lỡ mang tiếng tham lam dù chỉ trái cà, trái ớt cũng bị chòm xóm dèm pha. Song, đó cũng là cái quý giá còn giữ lại ở cư dân vùng nông thôn.

“Hòa giải thành công vụ tranh chấp con gà mái như mong đợi, trong đó công đầu là trưởng khóm 4, trẻ tuổi nhưng nhiệt tình, năng nỗ, biết tìm tòi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bậc cao niên để đưa ra tình huống xử lí ổn thỏa”, ông Trần Thanh Toàn, Phó chủ tịch UBND phường Tân Thành, cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nắng Mới ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN