"Bắt bệnh" nạn cướp giật tại Sài Gòn

Cướp ngang nhiên lộng hành, táo tợn chửi bới vào mặt nạn nhân, thậm chí trắng trợn dựng cảnh đánh ghen để giật đồ… khiến không ít người khẳng định sống ở Sài Gòn "ít nhất ai cũng một lần bị cướp".

Chuyện cướp giật ở Sài Gòn không phải giờ mới xuất hiện, nhưng không phải ai cũng biết được mức độ lộng hành của tệ nạn này.

Trên thực tế nhiều người mới chỉ nghe kể lại, nhưng có không ít người đã từng là nạn nhân của cướp giật và câu chuyện về clip cướp giật trên cầu Sài Gòn chỉ là một trong vô số những vụ cướp xảy ra tại thành phố lớn nhất nước.

Thực trạng đáng báo động

Nếu được dùng cụm từ chính xác nhất để mô tả về nạn cướp giật tại Sài Gòn, chỉ có thể nói “táo tợn và liều lĩnh”. Bọn chúng có mặt ở khắp nơi, chỉ cần nạn nhân sơ hở là lập tức lao tới “tóm gọn” con mồi với một hành động nhanh như cắt.

Theo độc giả Phạm Tư Khoa, cướp giật diễn ra từ ngoại thành vào đến tận trung tâm Quận 1 từ ngày này qua ngày khác.

Một đô thị hiện đại nhất Việt Nam nhưng xung quanh luôn nhiều điều bất trắc. Người dân luôn nơm nớp sống trong lo sợ, đề phòng, hễ cứ ra đường là phải ngó trước, ngó sau.

Chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình, độc giả Tô An cho biết từng bị 2 kẻ cướp giật mất sợi dây chuyền khi đưa con vào Sài Gòn thi đại học.

"Bắt bệnh" nạn cướp giật tại Sài Gòn - 1

Người dân cùng tham gia bắt cướp (Ảnh: Đàm Đệ)

“Chúng lướt qua quá nhanh khiến vài giây sau tôi mới ớ lên được một tiếng… cướp, nhưng đã quá muộn”, độc giả này cho biết.

Anh Thành Dũng nhận định, cướp giật ở Sài Gòn ngày càng nở rộ với mức độ liều lĩnh vô cùng. Bạn thân anh từng 2 lần bị giật cặp laptop, trong đó có lần bị giật ngay khi đang đi trên vỉa hè. “Bạn tôi khoác laptop đi bộ trên vỉa hè thì bị 2 tên cướp chồm xe lên rồi rồ ga vọt qua giật mạnh mất chiếc túi”.

Tình trạng người đi đường bất cẩn, lợi dụng quãng vắng cướp giật lộng hành là thực trạng diễn ra phổ biến, nhưng cũng có không ít các trường hợp bọn cướp tụ tập thành nhóm, tạo dựng màn kịch để cướp đồ công khai.

Độc giả ở địa chỉ email thuyngo2001@... cho biết, từng chứng kiến một vụ cướp hy hữu ngay gần chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh. “Đang đi đường, tôi thấy một nhóm người cả nam cả nữ bu kín xung quanh một cô gái trẻ, người quát nạt, kẻ định giơ tay đánh và miệng liên tục buông ra đủ câu chửi bới, cho rằng cô gái kia cướp chồng người khác.

Khi thấy cô gái khóc lóc giải thích, nhóm người này liền xông vào lục túi như thể tìm bằng chứng. Tuy nhiên ngay khi lấy được đồ, bọn chúng nhanh chóng lên xe bỏ chạy. Cô gái sau một hồi chấn tĩnh mới biết mình bị cướp”.

Quá đỗi ngạc nhiên trước tệ nạn cướp giật tại Sài Gòn, độc giả ở địa chỉ minhngo20012343@... cho biết “Tôi cũng vừa bị giật tại Sài Gòn cách đây 1 tháng khi vào đó công tác. Quả thật bọn chúng thật liều lĩnh.

Hà Nội mặc dù cũng có, nhưng tỷ lệ so với Sài Gòn chắc chỉ là 1/100. Gần như người quen nào của tôi ở Sài Gòn cũng đã từng ít nhất một lần bị cướp giật”.

Cho rằng cướp giật tại Sài Gòn đã đến thời điểm đáng báo động, độc giả Nguyễn Hải Long cho rằng, nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Một quốc gia được biết đến là một trong những nơi bình yên nhất trên thế giới mà xảy ra cướp ngày, cướp đêm như vậy thì quả là xấu hổ. Tệ nạn ấy do đói kém, bần hàn do con người hay xã hội tạo nên cần phải được làm rõ để ngăn chặn”, độc giả này nhấn mạnh.

“Bắt bệnh” cướp giật

Nói về nguyên nhân để xảy ra hàng loạt vụ cướp giật tại Sài Gòn, nhiều độc giả cho rằng lỗi phần lớn thuộc về trách nhiệm của lực lượng chức năng.

“Công an TP.HCM không thường xuyên tuần tra liên ngành như CA Hà Nội. Nhiều khi chỉ tập trung bắt tại trận hơn là có một kế hoạch giải quyết rốt ráo, triệt để, đúng hơn là chỉ tập trung phần ngọn thay vì ‘gốc rễ’”, độc giả Lê Trọng Khôi nhận định.

"Bắt bệnh" nạn cướp giật tại Sài Gòn - 2

Góc đường Phạm Hồng Thái – Lê Lai, Q.1, nơi du khách nước ngoài thường xuyên bị cướp giật tài sản.

Độc giả này cho rằng, nếu Công an TP.HCM cũng tiến hành lập các tổ công tác 141 đặc biệt như Hà Nội thì nạn cướp giật sẽ giảm thấy rõ.

Bên cạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng, độc giả ở địa chỉ maithi@... cho rằng để xảy ra nhiều cướp giật lỗi một phần cũng ở luật có sơ hở và chưa nghiêm.

“Tội phạm cướp giật thường chỉ bị bóc lịch từ 3-5 năm. Lao động, cải tạo tốt lại được ân xá thì thời gian ở tù chỉ còn 1-2 năm. Chừng ấy thời gian không đủ để cải tạo, ra tù chúng lại vẫn lộng hành bằng nghề cũ”, độc giả này phân tích.

Đồng quan điểm, độc giả Phạm Trung cho rằng, luật của chúng ta 'đang có vấn đề'. Cách phân loại mức độ tội phạm theo giá trị tài sản đã quá lạc hậu và thiếu căn cứ khoa học. Các loại tội phạm cướp giật cần bị xử theo hành vi, mức độ nguy hiểm đối với nạn nhân, ảnh hưởng đối với xã hội chứ không phải ở giá trị cướp giật nhiều hay ít.

“Đừng coi cướp giật là tội nhỏ vì nó tạo ra tâm lý bất an khủng khiếp trong xã hội, bào mòn niềm tin của người dân vào pháp luật, vô tình dung túng cho tội ác hoành hành”, độc giả Phạm Trung nhấn mạnh.

“Pháp luật không nghiêm khiến xã hội rối loạn về nạn móc túi vặt, trộm chó... rồi đủ thứ chuyện khác nữa mà hậu quả là nạn nhân mất của, ăn đòn và nhiều khi mất mạng. Ở những nước phát triển người ta phạt rất nặng về hành vi chứ không chỉ giá trị của vật chất”, độc giả ở địa chỉ langphinhantai@... nêu quan điểm.

Đi sâu phân tích các nguyên nhân sâu xa, độc giả Nguyễn Sang nêu rõ có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn cướp giật: Thứ nhất, là do không đầu tư dạy giáo dục từ thời học sinh dẫn đến suy đồi đạo đức ở một bộ phận. Thứ hai do phim ảnh bạo lực, cướp bóc tràn lan. Thứ ba, do lực lượng chức năng cơ sở không đủ mạnh để trấn áp tội phạm.

Một nguyên nhân khác được độc giả Vũ Văn Hùng chỉ ra đó là tình trạng nhập cư tràn lan tại Sài Gòn, trong đó có sự xuất hiện của nhiều đối tượng có nhân thân không tốt nhưng chính quyền chưa kiểm soát chặt chẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Tâm tổng hợp (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN