Báo động tình trạng đi tù vì "yêu" trẻ em

Hiện tượng yêu đương, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên ngày càng nhiều mà một trong những nguyên nhân là do thiếu hiểu biết pháp luật.

Có không ít vụ án hiếp dâm trẻ em xuất phát từ chính sự chủ động và 'nhu cầu' của cả hai bên. Các đối tượng phạm tội “vô tư” đến mức không biết rằng, nếu quan hệ tình dục với các cháu gái vị thành niên, kể cả trong trường hợp các cháu tự nguyện dâng hiến, thì lại là phạm tội.

Vô tư...”yêu”

Thời gian gần đây, hành vi quan hệ tình dục đối với trẻ em vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Từ chuyện bé gái “tự dâng hiến” cho bạn trai, đến yêu đương cùng huyết thống... Tất cả như đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nhận thức sai, lệch lạc của một bộ phận giới trẻ.

Hầu hết các đối tượng phạm tội quan hệ với trẻ em vị thành niên đều có chung giải thích rằng họ không hiểu pháp luật và không ai nói cho họ biết. Các đối tượng đều có chung suy nghĩ chỉ những trường hợp quan hệ trái ý muốn mới phạm tội, còn đã được sự chấp thuận, đồng ý, tự nguyện thì không sao. Mặt khác, có những bé gái bị lạm dụng nhiều lần, trước Toà vẫn một mực khẳng định “quan hệ” với bạn trai là vì “tình yêu” và tự nguyện. Chính vì cách hiểu này, mà ngày càng nhiều những vụ “vô tư” quan hệ với trẻ em.

Nguy hiểm hơn cả là hiện tượng quan hệ cùng huyết thống. Mặc dù biết đấy là đi ngược với đạo đức truyền thống, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn làm. Vụ việc xảy ra vào ngày 6/9, đôi nam nữ thanh niên chết trong nhà nghỉ Bảo An (P.Đồng Xuân, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một ví dụ. Do bị gia đình ngăn cấm yêu đương vì có quan hệ huyết thống, N.V.L (21 tuổi) và N.T.C (15 tuổi), đều cùng ở xã Nam Tiến, H.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã thuê nhà nghỉ. Tại đây, họ đã “quan hệ”, sau đấy tự tử.

Phạm tội do thiếu hiểu biết

Thực tế cho thấy, có rất nhiều người chưa hình dung được trách nhiệm pháp luật đối với hành vi của mình dẫn đến phạm tội. Trước toà, khi được hỏi về việc có biết quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi là phạm tội không thì không ít bị cáo đã bật khóc và trả lời rằng không biết đó làm phạm tội.

Ở chừng mực nào đó, kẻ đồi bại trong những vụ án kiểu này cũng có phần đáng thương. Bởi hình phạt của tội hiếp dâm trẻ em là vô cùng nghiêm khắc, cao nhất bị cáo có thể phải nhận án tử hình. Đối với những vụ án hiếp dâm trẻ em mà bị hại là người tự nguyện, thì về hành vi khách quan là không có sự cưỡng bức. Tuy nhiên, pháp luật quy mọi hành vi giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi đều phạm tội hiếp dâm trẻ em. Hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 112 Bộ luật Hình sự). Do đó, dù thực tế bị hại có đồng thuận và hưởng ứng quan hệ tình dục thì người đã thành niên vẫn bị quy kết phạm tội.

Luật quy định như vậy là vì ở tuổi dưới 13, trẻ em không nhận thức được việc làm của mình và thể trạng trẻ em không cho phép làm “chuyện người lớn”. Mục đích của việc xử lý hình sự đối với hành vi này là nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường về mặt tình dục đối với trẻ vị thành niên.

Cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em năm 2011 cho thấy, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó, riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80%…. Đáng lưu ý, riêng 6 tháng đầu năm nay, số vụ xâm hại tình dục trẻ em đã tăng 5% so với năm ngoái, với 621 vụ bị phát giác và xử lý.

Con số thống kê trên khiến nhiều người không khỏi giật mình. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến ngày càng nhiều trẻ em bị lạm dụng? Theo các chuyên gia tâm lý, do sự phát triển về kinh tế, cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ hơn nên sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của con người cũng sớm hơn trước đây. Bên cạnh những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, giới trẻ hiện nay được tiếp thu các giá trị văn hóa, tinh thần, lối sống từ bên ngoài. Tất cả những yếu tố đó dẫn đến đòi hỏi về tình cảm, sinh lý sớm hơn, quan niệm sống cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận giới trẻ; vì không hiểu biết pháp luật nên đã “vô tư” phạm tội...

Hậu quả của việc lạm dụng, kẻ phạm tội phải nhận sự trừng phạt của pháp luật, còn bị hại thì phải chịu đựng sự giày vò, tủi hổ và dễ bị lệch lạc về lối sống, nhận thức trong quá trình phát triển.

Để ngăn ngừa loại tội phạm này, thiết nghĩ gia đình và nhà trường cần phải chú trọng quan tâm, bổ sung kiến thức pháp luật cho học sinh và con em mình. Nhà trường cần thường xuyên trang bị kiến thức sâu hơn về luật pháp cho học sinh, giúp các em học sinh ở lứa tuổi vị thành niên nắm vững, tự điều chỉnh hành vi để khi trưởng thành không mắc những vi phạm “đáng tiếc” do thiếu hiểu biết về pháp luật. Ngoài ra, gia đình quản lý chặt chẽ con em mình, giải thích rõ hành vi nào được phép, hành vi nào bị cấm để con em mình không vì thiếu hiểu biết, chỉ vì phục vụ "bản năng" mà mất hết tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Mai (VnMedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN