5 năm sống trong sợ hãi vì bị tán tỉnh bằng tin nhắn

5 năm qua, Phương thường xuyên bị khủng bố tinh thần bằng những tin nhắn của kẻ lạ mặt. Nghiêm trọng hơn, gần đây cô bị đe doạ tính mạng nếu dám đi lấy chồng.

Màn tỏ tình bệnh hoạn

Tiếp khách tại nhà riêng với ánh mắt đầy vẻ âu lo, Phương buồn bã mở đầu câu chuyện: "Thời gian này tôi chẳng dám đi đâu xa, nếu có việc gấp thì phải  nhờ người đi cùng".

Cô gái cho biết bị khủng bố bằng tin nhắn từ khoảng 5 năm trước. Khi đó, Phương đang là sinh viên đại học năm thứ nhất. Thời điểm đó, kẻ giấu mặt chỉ gửi những tin nhắn rủ rê khiếm nhã. Với những tin nhắn như vậy, cô nữ sinh chẳng muốn trả lời nhưng lại nghĩ ai đó gửi nhầm địa chỉ nên đã một lần nhắn lại để tránh bị làm phiền. Không ngờ sau đó, Phương liên tục nhận được nhiều tin nhắn tục tĩu với tần suất dày đặc. Khi Phương mang câu chuyện này chia sẻ với bạn bè, ai nấy đều bất bình và tìm cách để vạch mặt kẻ xấu kia. Nhưng sau đó, chính những người bạn này của Phương cũng trở thành nạn nhân, liên tục phải chịu đựng những tin nhắn khủng bố.

Lâu ngày thành quen nên Phương không còn quan tâm tới những tin nhắn. Chẳng biết do không được hưởng ứng hay vì lý do gì, những tin nhắn không còn liên tục như trước, mỗi ngày chỉ còn 1 đến 2 tin đều đặn suốt 4 năm Phương học đại học.

5 năm sống trong sợ hãi vì bị tán tỉnh bằng tin nhắn - 1

Những tin nhắn có nội dung đe dọa, khủng bố Phương.

Bẵng đi một thời gian, đến ngày ra trường, Phương đột nhiên phải hứng chịu “cơn mưa” tin nhắn kẻ giấu mặt tán tỉnh, rủ rê đi chơi đổ về mỗi ngày. “Sau khi ra trường, tôi xin về làm việc tại xã nhà. Tôi cứ nghĩ “bóng ma” kia sẽ không còn cơ hội đeo bám nữa. Bởi thế khi tin nhắn kia đến, tôi không xóa như mọi lần mà tò mò đọc xem liệu hắn có biết mình đã chuyển về quê hay không. Khi đọc tin, tôi hết sức hoảng loạn. Kẻ bệnh hoạn đó không chỉ biết tôi đang ở đâu, làm gì mà còn biết chính xác cả ngày tôi đến cơ quan nhận công tác. Sau đó, tôi trấn tĩnh lại và suy nghĩ, việc tôi công tác ở đâu cũng không phải thông tin khó nắm bắt. Hơn nữa, kẻ lạ mặt có biết cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình. Nghĩ vậy nên tôi yên tâm và không quan tâm gì nữa”, Phương kể lại. Những tin nhắn nặc danh hàng ngày vẫn đổ về. Đến cuối năm 2013, kẻ bệnh hoạn lại gửi tin nhắn hỏi thăm khiến cô gái trẻ hoảng loạn: “Vì sao hôm nay cô không đi làm, khiến tôi chờ mãi mà không được gặp mặt. Có phải làm ở xã sướng quá, thích nghỉ thì nghỉ không?”. Tin nhắn này thực sự đã làm Phương ăn ngủ không yên bởi hôm đó, cô mệt nên nghỉ ở nhà.

Phương cho biết, trước đây cô vẫn nghĩ kẻ giấu mặt kia bị lệch lạc giới tính nên mới có hành vi như vậy. Nhưng sau khi biết hắn bám theo về tận quê, cô vô cùng bất an. Song song với việc nhờ bạn bè, người thân tìm hiểu, Phương cũng đã gọi lên tổng đài nhờ hỗ trợ để biết thông tin về kẻ quấy rối mình nhưng không có kết quả. “Các nhân viên trực tổng đài trả lời chỉ tiết lộ thông tin của khách hàng khi có đề nghị từ phía cơ quan chức năng. Mẹ tôi vì lo lắng nên đã gọi điện, nhắn tin tìm hiểu thì ngay lập tức cũng bị kẻ bệnh hoạn dùng lời lẽ thô tục “rủ đi khách sạn”. Điều đáng nói, hắn biết rõ số điện thoại gọi đến là của mẹ tôi, dù bà không xưng danh”, Phương hãi hùng kể.

Sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm, khiến gia đình Phương vô cùng hoang mang khi thời gian này, cô chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Phương cho biết: “Khoảng ba tháng nay, hắn liên tục nhắn tin khủng bố rằng nếu tôi làm đám cưới thì nhà sẽ có giỗ. Hắn dọa sẽ chặn đường hãm hiếp tôi rồi tung lên mạng xã hội cho xấu hổ, gần đây nhất, hắn dọa sẽ tạt axit hủy hoại gương mặt tôi. Kẻ đó dường như lúc nào cũng theo dõi nhà tôi mọi lúc mọi nơi. Hôm người yêu tôi vừa ra về, hắn nhắn tin bảo: “Ra ngoài đường lượm xác chồng mày đi, nó vừa bị tao giết ở ngã ba”. 

Đầu tháng vừa rồi, kẻ đó lại nhắn tin với nội dung: “Anh mới ở trong em về, tính tặng nhà em mộ thứ nhưng thôi, để 2 tuần nữa anh tặng luôn”. Hai tuần nữa là vào thời điểm tôi tổ chức đám cưới, khách ra vào nhiều mà lại không biết kẻ uy hiếp là ai nên gia đình tôi rất lo sợ. Vì lo xảy ra chuyện nên mấy tháng qua, tôi không dám bỏ qua tin nhắn nào, cuộc sống gia đình bị đảo lộn nghiêm trọng”.

Khoanh vùng kẻ "khủng bố"

5 năm sống trong sợ hãi vì bị tán tỉnh bằng tin nhắn - 2

Phương rất lo sợ tin nhắn khủng bố sẽ thành sự thật trong ngày cưới sắp tới của cô

Trước tình cảnh đó, Phương và gia đình buộc phải gửi đơn lên công an huyện Bắc Tân Uyên cầu cứu. Về những kẻ có khả năng là kẻ giấu mặt kia, Phương trần tình, đến thời điểm này cô vẫn chưa thể đoán ra. Tuy nhiên dựa vào nội dung tin nhắn, Phương đã khoanh vùng được vài người tình nghi liên quan đến mối quan hệ tình cảm trước đây. Trong đó, đáng nghi nhất là một người bạn cấp II của cô tên T. 

T ở cùng xã, gia đình khá hoàn cảnh, chơi cùng nhóm với Phương. Sau khi học hết lớp 9, T nghỉ ở nhà đi cạo mủ cao su. Hồi còn đi học, T có tình cảm và từng ngỏ lời với Phương. Song vì còn nhỏ, chưa nghĩ đến chuyện yêu đương nên cô đã từ chối tình cảm của anh này. Cách đây vài tháng, cô lại nhận được một tin nhắn của T nhưng không có nội dung. Hiện nay, người này đã có vợ.

Phương nhớ năm cô vào đại học thì T có xin số điện thoại rồi đưa máy mình để cô lưu vào. Do không quen nên Phương đã mở nhầm vào trang hình ảnh và thấy người này lưu giữ rất nhiều hình ảnh nhạy cảm. Trong khi đó, những tin nhắn cô nhận được cũng rất thô tục, có phần đồi trụy. Sau khi cho người bạn này số điện thoại không lâu thì Phương bắt đầu bị quấy rối. Trong đó có một số tin nhắn với nội dung oán trách: “Em chê tôi nghèo, em chê tôi ít học”, rất nhiều tin khác viết sai lỗi chính tả và người này cũng tỏ ra rất hiểu Phương. Đặc biệt trong quá trình đó, hắn không bao giờ để lộ giọng nói. Mẹ Phương cũng cho biết, ngày nào T cũng đi làm qua và thường nhìn vào nhà bà bằng ánh mắt khó hiểu. 

Người thứ 2 nằm trong nghi ngờ của Phương tên H - một thanh niên ở xã khác. H bỏ học sớm, hiện làm lao động phổ thông. 

H không học cùng cũng không chơi cùng Phương nhưng thanh niên ở quê, nhà ai có con gái cũng tìm vào tán tỉnh. Năm Phương học lớp 8, H đến nhà tìm hiểu thì bị từ chối nhưng nhất quyết không chịu bỏ cuộc. Để tránh mặt H, Phương phải nhờ cha mẹ ra tiếp chuyện. Khi Phương lên thành phố học, gã vẫn bắt xe lên tận ký túc xá đòi gặp mặt. Người này cũng từng tuyên bố sẽ theo đuổi Phương đến cùng. “Tôi và H không có liên lạc, cũng không chơi với nhau, đáng ra không nên nghi ngờ nhưng vì người này khá “si tình” và nội dung một số tin nhắn lại thể hiện là người liên quan. Xét về địa lý, nhà H ở phía ngoài, nhà tôi ở phía trong, có nhiều tin nhắn khủng bố xác định vị trí như “anh vừa ở trong nhà em ra”, “nghe người trong xã em nói” hay “ở trong đó”...”, Phương cho biết.

Trao đổi với người viết, Phương kết luận: “Trên đây là hai người tôi nghi ngờ nhất nhưng cũng không loại trừ có người khác ganh ghét mà tôi không biết, bởi những kẻ thông minh có lắm chiêu trò nhằm qua mặt mọi người”, Phương chia sẻ.   

Đến thời điểm này, không biết người quấy rối có ý định gì nhưng việc thường xuyên nhận được tin nhắn khủng bố khiến cuộc sống cả gia đình Phương bị đảo lộn, ai cũng hoang mang vì lo lắng sẽ có chuyện không hay xảy ra trong ngày cưới của cô gái trẻ sắp tới. Trao đổi với phóng viên, ông Thái Thanh Bình, Trưởng công an huyện Bắc Tân Uyên cho biết, ngày 8/7, công an huyện đã tiếp nhận đơn thư của chị Phạm Thị Phương. Hiện công an huyện đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hương Trà (Gia đình Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN