Rau dền dại, món quà từ đất

Hàng năm, khi cây mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống trên những dải đất vùng miền Đông Nam Bộ khoảng 25 đến 30 ngày, những cây rau dền dại xanh mơn mởn xen lẫn với cỏ dại mọc thành từng đám khắp quanh rẫy vườn.

Trong các loại rau, củ, quả ăn được dùng làm thực phẩm mà thiên nhiên ban tặng từ đất như : măng rừng, nấm mối, rau sam, rau càng cua, bình bát … đặc biệt có loại rau dền mọc hoang dại trên đất hái mang về luộc hay nấu canh với tôm khô hoặc tôm tươi rất thơm ngon lại chữa được nhiều căn bệnh.

Dền Cơm (dền trắng - Amaranthus viridis) có 2 loại: rau dền dại (mọc tự nhiên) và rau dền nhà (tự gieo hạt), cũng đều trong họ dền nhưng rau dền dại ăn ngon và có mùi thơm, hương vị đặc trưng hơn nhiều so với dền gieo hạt (dền nhà), cùng là những loài cây thân thảo, có bộ rễ khỏe, ăn sâu nên khả năng chịu hạn, chịu nước tốt, sức nảy mầm cao, rau thường mọc nhiều ở vùng có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới.

Rau dền đã gắn bó với cuộc sống lam lũ của người nông dân Việt Nam qua nhiều thế hệ và ghi dấu ấn trong văn học thơ ca dân gian cũng như hiện đại. Theo lời kể của mấy chú bộ đội giải phóng và các anh chị cựu du kích, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi giặc càn quét ráo riết , nhân dân không thể tiếp cận để tiếp tế lương thực vào căn cứ, rau dền dại cũng đã góp phần không nhỏ trong việc cứu đói tạm thời.

Rau dền dại

Rau dền dại

Ở Việt nam có 2 loại rau dền phổ biến là : dền đỏ và dền trắng, các loại này được gieo bằng hạt nên có quanh năm, còn loại dền mọc hoang dại xen lẫn trong cỏ chỉ có vào mùa mưa, thường mọc trên những thửa đất bỏ hoang hay triền đồi, mùa nắng thường mọc hai bên bờ sông suối. 

Dền dại thuộc họ dền trắng rất giàu dinh dưỡng dùng làm rau ăn trong ẩm thực của những người dân nông thôn như xào, làm nộm, luộc và ngon nhất là nấu canh. Canh rau dền là món ăn dân dã, bình dị rất thích hợp trong mùa hè và đã trở nên quen thuộc đối với người vùng quê Việt Nam; loại rau dền dại này rất hiếm khi có bán ở các chợ.

Thân, lá và bông rau dền này nhỏ hơn rất nhiều so với loại dền gieo hạt, có vị ngọt, chứa nhiều protid, glucid, sắt, vitamin B2, vitamin C, axít nicotic và hàm lượng canxi rất cao. Hạt ngoài các thành phần vitamin A, vitamin C còn giàu tinh bột, đạm thực vật và lysin. 

Đặc biệt hàm lượng lysin trong rau dền dại cao hơn rau dền nhà và các loại ngũ cốc khác, Chất beta – caroten trong rau dền cao giúp ích cho việc nâng cao sức miễn dịch; Ở Việt Nam, rau dền còn là bài thuốc nam rất hữu hiệu có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng, trị độc, chữa táo bón, nhức đầu, chóng mặt.... 

Rau dền vị ngọt tính hàn là loại rau mùa hè, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá, trị bệnh kiết lỵ, lở loét do trong người quá nóng, lợi tiểu, chữa viêm bàng quang. Ngoài ra, loại rau này còn có rất nhiều công dụng tuyệt vời khác cho thai phụ, phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh ăn nhiều rau dền giúp dễ tiêu hóa không bị táo bón và dễ sinh nở hơn.

Rau dền cơm luộc, xào, nấu canh để chữa bệnh huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, hỏa xông lên mặt, dền cơm là loại rau dại do thiên nhiên ban tặng, đảm bảo chất lượng cùng các tiêu chí rau sạch tự nhiên và an toàn 100%. 

Vào những ngày hè nóng bức, bổ sung thêm một đĩa rau luộc chấm với nước tương vắt thêm miếng chanh hay bát canh rau dền nấu với thịt nạc, tôm khô hoặc tôm tươi vào bữa ăn hàng ngày có tác dụng giúp giải nhiệt rất hữu hiệu cho cơ thể vừa ngon lại dễ trôi cơm trong những ngày nắng nóng. Nghe mùi thơm của nồi canh rau dền cảm giác chán ăn của bạn sẽ biến đâu mất …

Món quà từ đất và món ăn từ rau dền dại

Canh rau dền

Vào mùa Hè rau dền dại mọc rất nhiều khắp nơi quanh rẫy vườn, mẹ đi chợ không phải mua rau như mọi ngày, mới đầu mùa mưa nên rau non và xanh mơn mởn, hái ăn rất ngọt, mùi thơm đặc trưng và có vị béo bùi.

Đến giờ nghỉ ăn nửa buổi chị em tôi tranh thủ chia nhau mỗi người một hướng, hái mỗi đứa một ôm về “tặng mẹ” để luộc hay nấu canh, rau non thấy ham chị em tôi đua nhau hái, nhiều quá ăn không hết, tiếc quá mẹ phải gói kín trong giấy báo cho vào tủ lạnh cũng bảo quản được từ ba đến năm ngày, những hôm trời mưa gió không vào được rẫy để hái rau mới, lại lôi rau cũ ra luộc hoặc nấu canh vẫn thơm ngon như rau mới vừa hái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mỹ Nhân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN