Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á

Bánh trung thu là nét văn hóa đặc sắc của nhiều quốc gia Châu Á mỗi dịp Tết Trung thu về.

1. Bánh trăng khuyết Songpyeon của Hàn Quốc

Trong khi bánh Trung thu của các nước ở châu Á đều có hình tròn thì bánh Trung thu Hàn Quốc Songpyeon lại có hình trăng khuyết hay hình bán nguyệt. Bánh được làm bằng bột gạo, đậu xanh, đường và một nguyên liệu không thể thiếu là lá thông.

Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á - 1

Bánh Trung thu Hàn Quốc Songpyeon có hình trăng khuyết 

Ngoài màu trắng của bột gạo, bánh Songpyeon còn có màu hồng, màu xanh lá và màu vàng được nhuộm màu từ quả dâu, ngải cứu, bí đỏ. Được hấp cùng lá thông nên bánh có hương vị của lá thông tươi, dẻo, ngọt dịu với nhân đậu xanh mịn.

Vào Tết Chuseok (tết Trung thu hay lễ Tạ ơn), cả gia đình sẽ tập họp lại với nhau để làm songpyeon. Người Hàn có câu truyền tụng rằng, thiếu nữ nào làm bánh songpyeon vừa ngon lại vừa đẹp sẽ gặp được ý trung nhân như ý, phụ nữ có gia đình sẽ sinh được con gái xinh xắn. Chính vì thế mà phụ nữ Hàn Quốc dành rất nhiều tình cảm, tâm trí cho việc làm bánh songpyeon.

2. Tsukimi Dango, bánh Trung thu truyền thống của Nhật Bản

Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á - 2

Bánh trung thu Nhật Bản được xếp hình tháp dâng cúng tổ tiên, thần linh

Bánh trung thu của người Nhật có tên gọi đầy đủ là Tsukimi Dango, nhìn bề ngoài giống như bánh trôi nước của Việt Nam. Được làm từ bột Shiratama và bột Jouskinko nên bánh Dango vừa có độ cứng vừa dai và dẻo dẻo. Bánh làm xong được xếp hình tháp dâng cúng tổ tiên, thần linh và cầu mong mùa lúa mới được bội thu. Sau đó bánh được đem nướng hơi giòn, quết đường mật lên ăn kèm cùng bột đậu nành hay đậu đỏ và nhâm nhi với một chén trà.

Vào dịp trung thu, những chiếc bánh được đặt kế lên hiên nhà hoặc cạnh cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng. Ở một số nơi người ta cho rằng bánh dango sau khi cúng xong để bên ngoài hiên nếu trẻ con tự ý đến lấy thì là một điều may mắn.

3. Bánh trung thu đoàn viên của Trung Quốc

Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á - 3

Bánh trung thu Trung Quốc với nhiều điểm tương đồng với Việt Nam

Trong phong tục của người Trung Quốc, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Bất cứ ai làm ăn ở xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên. Chính bởi vậy, bánh trung thu của Trung Quốc thường có hình tròn, tượng trưng cho “đoàn viên”, ý nghĩa đó bắt nguồn từ đời nhà Minh.

Bánh thường có vỏ in hình những chữ Hán có ý nghĩa tốt lành cho ngày Tết đoàn viên và có nhiều vị truyền thống như đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, khoai môn … Đây cũng là loại bánh thường được làm ở Malaysia và Đài Loan. Tùy theo từng vùng ở Trung Quốc mà bánh có thể thay đổi hình dáng và vị nhân đặc trưng riêng.

4. Bánh trung thu Hopia của Philippines

Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á - 4

Bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia

Bánh nướng của Philippines không có hình dáng bắt mắt như các loại bánh Trung thu khác nhưng lại hấp dẫn ở phần vỏ bánh xếp lớp giòn giòn và nhân bánh đa dạng như đậu đỏ, đậu xanh, thịt lợn, khoai lang tím…

5. Bánh trung thu Thái Lan

Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á - 5

Nhân bánh được yêu thích tại Thái Lan là nhân sầu riêng

Theo truyền thuyết của người Thái, vào lễ hội Trung thu, các bà tiên sẽ bay đến mặt trăng để gửi bánh và quả đào tiên chúc mừng Bồ Tát. Vì vậy mà người dân Thái Lan thường ăn bánh Trung thu và quả đào vào ngày rằm tháng 8. Bánh trung thu tại Thái Lan cũng giống với Việt Nam nhưng có phần mỏng, dẹt hơn và nhân bánh được yêu thích nhất tại đây là nhân sầu riêng.

6. Bánh nướng, bánh dẻo của Việt Nam

Khám phá “bí mật” bánh trung thu ở các nước Châu Á - 6

Bánh nướng, bánh dẻo ở Việt Nam

Người Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với hương vị bánh trung thu thập cẩm truyền thống. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm phức với nhân làm bằng hạt sen, thịt mỡ, vừng, lạp sườn, đậu xanh nhắc người ta nhớ đến không khí cả gia đình quây quần phá cỗ đêm rằm. Bánh trung thu có sức cuốn hút mãnh liệt đến thế bởi hương vị bánh là sự hội tụ của cả tinh hoa đất trời mùa thu.

Ngày nay, mặc dù trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh với nguyên liệu và kiểu dáng mới lạ nhưng hương vị bánh trung thu truyền thống vẫn giữ vị trí quan tọng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo M.Anh (Báo giao thông)
Cách làm bánh Trung thu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN