Hương bánh đêm Giáng sinh

Món bánh của mẹ chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng lại chan chứa sự sẻ chia.

Mỗi mùa Noel về, tôi lại thấy nhớ, thấy thèm món bánh sắn mẹ vẫn thường làm. Chẳng phải cao lương mỹ vị, cũng chẳng có ý vị, cũng chẳng có ý nghĩa đặc biệt nào cho lễ Giáng sinh nhưng với tôi nó chất chứa một tình yêu thương vô bờ bến, là những kỷ niệm trong mùa đông giá rét không thể nào quên.

Những ngày cuối năm, trời bắt đầu se lạnh. Cảm giác một mình lững thững dạo quanh các con đường Sài Gòn vào lúc này thật thú vị. Thành phố đã lên đèn. Những ngọn đèn xanh, đỏ soi rõ cả khoảng đất gồ ghề phía trước. Muốn tìm cho mình một chiếc ghế đá còn trống để dừng chân vào lúc này xem ra thật khó. Đâu đâu cũng có người ngồi, nơi thì hai, ba rồi bốn người và có khi hơn thế nữa. Người ta hẹn hò cũng có, tụ tập bạn bè cũng có, đông vui và rộn ràng.

Cơn gió nhẹ thổi qua làm một vài chiếc lá vàng chao nghiêng rồi rơi xuống mặt đất. Tôi đưa mắt nhìn quanh, vòng xoay ngay ngã tư bình thường “trần trụi” là thế mà nay được trang hoàng lộng lẫy như một nàng công chúa. Ở giữa là một cây thông khá lớn được “trồng” cách nay vài ba hôm. Trên những nhánh thông nhỏ, có đến hàng chục chiếc chuông xen kẽ với hình ngôi sao được trang trí tỉ mỉ. Lâu lâu, gió thổi ngang qua, chiếc chuông lại đung đưa lên xuống, lấp lánh trong ánh điện lờ mờ. Từng dây bóng nháy dài ngoằng, tạo thành đường viền từ dưới lên, bao kín cả thân cây. Từng chiếc đàn bé tí, đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… nháy liên hồi, cái này bật lên, chiếc khác lại tắt, đều đặn và nhịp nhàng. Sài thành là thế, đêm cũng như ngày luôn náo nhiệt và ồn ào. Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng sinh, tôi mơ hồ nghĩ tới hình ảnh của những ông già Noel trong chiếc áo đỏ rực rỡ, râu trắng dài tận ngực. Lũ trẻ con rối rít, hăng hái với món quà nhỏ trên tay và tiếng thánh ca vang vọng khắp các nhà thờ.

Hương bánh đêm Giáng sinh - 1

Món bánh sắn của mẹ được làm đơn giản lắm và cũng không có gì quá đặc biệt, thế mà chị em tôi vẫn cứ mê mẩn.

Nhà tôi chẳng ai theo đạo Thiên Chúa và thú thực lúc đó, một cô bé mới mấy tuổi đầu như tôi chẳng thể hiểu nổi nguồn gốc và ý nghĩa của Giáng sinh là gì. Nhưng khi thấy mọi người trong cái xóm đạo làng bên rộn ràng thì lòng mình cũng hào hứng và thích thú theo. Để góp chút không khí vui tươi, vào lễ Giáng sinh mẹ sẽ nấu một vài món ăn cho bố con cùng thưởng thức. Chị em tôi chờ đợi rất nhiều vào ngày này, mẹ chắc chắn sẽ làm nhiều món ăn mà chị em tôi đều mê tít. Những món ăn ấy dù quen thuộc nhưng quả thực là món quà tuyệt vời với chị em tôi. Tôi vẫn còn nhớ món ăn mẹ làm nhiều nhất trong ngày này là món bánh sắn. Người dân quê tôi vẫn quen gọi là củ sắn nhưng người Sài Gòn và một số nơi khác lại gọi là củ mì.

Những tháng cuối năm thường trúng vào mùa thu hoạch sắn. Mẹ sẽ lựa những củ sắn lớn bằng bắp tay, không quá già để làm bánh sắn cho chị em tôi. Nhưng chẳng phải thứ sắn nào cũng mang đi làm bánh được. Tôi từng nghe mẹ dặn, không được ăn loại sắn có màu hơi đỏ rất dễ ngộ độc và không tốt cho sức khỏe. Thường thì mẹ sẽ lựa loại sắn trắng, lột cho sạch lớp vỏ bên ngoài rồi ngâm với nước vôi trong khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Sau đó, sắn sẽ được mang đi mài nhỏ. Để mài sắn, mẹ sử dụng cây mài được làm bằng tấm sắt lớn bằng 2 bàn tay, có đục sẵn lỗ nhỏ li ti. Hai bên được cố định bằng gỗ chắc chắn, có tay cầm vừa vặn. Cho cây mài vào chậu, củ sắn ép sát bề mặt tấm sắt rồi kéo từ trên xuống. Sắn được mài cho đến khi còn phần lõi nhỏ bên trong và phải lược lại một lần nữa cho bột bánh được mịn. Sau đó trộn sắn với một ít muối, mật mía cho thật đều. Vắt sắn thành từng nắm nhỏ, cho lên miếng lá chuối được rửa sạch từ trước, thêm vài hạt đậu phộng rang thơm lên mặt. Gấp lá chuối xung quanh cho vừa vặn rồi đặt vào xửng hấp. Tùy vào số lượng bánh nhiều hay ít mà canh thời gian để lấy bánh ra. Khi bột bánh trong, chuyển qua màu hơi nâu đỏ và dậy mùi thơm là được. Kể ra thì món bánh sắn của mẹ được làm đơn giản lắm và cũng không có gì quá đặc biệt, thế mà chị em tôi vẫn cứ mê mẩn.

Đậu phộng dùng để làm bánh có thể là đậu phộng rang mà cũng có thể là đậu phộng được luộc chín. Vì thời gian hấp bánh chỉ khoảng 20-30 phút nên đậu phộng phải được làm chín rồi mới cho vào sau. Có đôi lúc, mẹ thay đậu phộng bằng nhân đậu xanh cà nhuyễn. Dù là đậu phộng hay đậu xanh, bánh ăn cũng dậy mùi thơm và rất ngon. Bánh hấp xong, bóc lớp lá bên ngoài, cho vào miệng cắn một miếng nhỏ, nhai nhè nhẹ sẽ cảm nhận được cái mềm dẻo của bột sắn hòa trong vị ngọt thanh của mật mía. Những người thích ăn ngọt hơn, có thế lấy bánh chấm kèm với mật mía còn sống, rất lạ miệng. Nếu đi kèm với đường trắng, bánh có màu trắng đục nhưng thêm chút mật mía bánh trông hấp dẫn hơn về cả màu sắc lẫn mùi vị. Trong cái lạnh thấu xương của mùa đông, không cần phải tủ lạnh, bánh nấu xong có thể để được cả tuần lễ.

Hương bánh đêm Giáng sinh - 2

Bánh khoai mì nướng (nguồn ảnh: internet)

Mùa sắn về, nhà nào có trẻ con, bố mẹ cũng nhớ dành ra cho một mớ sắn nhỏ để mài bột làm bánh. Vào buổi sáng thức dậy hay sau những buổi học ở trường về, cảm giác thú vị nhất là được mẹ dúi vào tay một đĩa bánh sắn còn ấm nóng. Nhai ngấu nghiến từng miếng bánh trong cơn đói đang cồn cào và cái lạnh bao phủ mới thú vị làm sao.

Lớn lên và đi xa, tìm hiểu rồi tôi mới biết, Giáng sinh chẳng phải xuất phát từ quê hương mình, món bánh sắn của mẹ cũng chẳng liên quan gì đến ý nghĩa của đêm hội Noel. Nó khác hẳn với những món bánh trong đêm Giáng sinh của người thành thị: không béo ngậy như bánh Pavlova của người Thụy Sỹ, ngọt đậm như bánh pudding hay xốp mềm như bánh khúc cây truyền thống. Nhưng không vì thế mà tôi quên đi vị bánh sắn ngày xưa mẹ vẫn thường làm. Tôi thấy mình thực sự hạnh phúc vì những đêm đông, giữa cái rét run người, cả nhà quây quần bên bếp lửa còn rực than hồng và nhấm nháp từng miếng bánh còn ấm nóng. Chẳng có lời cầu nguyện nào trước khi ăn, cũng chẳng có phép làm dấu như những người có đạo nhưng sâu thẳm trái tim của mọi người đều chất chứa những tình cảm trìu mến dành cho nhau. Món bánh ấy chẳng là cao lương mỹ vị, cũng không đắt giá nhưng đổi lại, nó cho tôi hiểu thế nào là sự sẻ chia, là sự quan tâm và tình thương gia đình. Để rồi khi đi xa, tôi luôn thấy lòng mình được ấm áp.

Tiếng cười khúc khích của cặp tình nhân sau lưng làm tôi giật mình. Tôi nhận ra, đường phố lúc này đã vắng hẳn người qua lại. Khí trời đêm mỗi lúc một lạnh hơn, từng cơn gió phả thẳng vào mặt làm lạnh cả da thịt. Tôi kéo cổ áo cao thêm một chút và lững thững bước đi. Trong tiếng bước chân chậm rãi, tôi nghe đâu đó giọng nói trầm ấm của bố, tiếng cười trong veo của con bé út và nghe mùi vị của món bánh sắn đang phảng phất. Nỗi nhớ khiến tôi thấy mình trở nên lạc lõng giữa con đường dài phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Giang (Món ngon Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN