Giòn ngọt đậu rồng

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

Nhờ độ giòn, ngọt, đậu rồng được sử dụng nhiều trong chế biến các món ăn ngon.

Là loại thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng giá thành rẻ lại dễ gieo trồng, chăm bón đậu rồng ngày càng phổ biến trong bữa cơm của nhiều gia đình. Vị giòn, ngọt của đậu làm tăng hương vị thơm ngon cho từng món ăn.

Là một lại dây leo, thân thảo, đậu rồng không phải là thực phẩm xa lạ với nhiều chị em nội trợ. Nhờ độ giòn, ngọt, đậu rồng được sử dụng nhiều trong việc chế biến món ăn. Có người dùng đậu rồng để xào với thịt, tôm, có người thì nấu canh, làm salad hoặc ăn sống kèm với các loại mắm chua, nước kho cá, thịt…

Giòn ngọt đậu rồng - 1

Vị giòn, ngọt của đậu làm tăng hương vị thơm ngon cho từng món ăn

Indonesia được xem là “thủ phủ” của loại cây này, vì mức độ trồng rất dày đặc và khá phổ biến. Ở Việt nam, ngày nay đậu rồng cũng được bày bán nhiều tại các khu chợ, lớn, bé. Ngoài tên gọi là đậu rồng thì loại quả này còn có tên gọi khác như: đậu khế, đậu xương rồng, đậu cánh… Đậu có mài vàng nhạt hoặc màu xanh lục. Mỗi quả có 4 cánh, trên mỗi mép cánh có răng cưa. Bên trong quả có chứa nhiều hạt nhỏ hình cầu. Tùy mỗi loại đậu mà màu sắc của hạt khác nhau, có thể là màu vàng, màu trắng, màu nâu hoặc màu đen. Nhiều nơi, người ta sử dụng đậu rồng như một loại đậu nành, được ép lấy dầu hay xay thành bột để làm thành loại thức uống có hương vị khá giống với cà phê.

Thích hợp với những vùng đất nhiệt đới và cận nhiệt đới, đậu rồng rất dễ gieo trồng. Theo tổ chức lương nông thế giới (FAO), đậu rồng được xem là loại cây rẻ tiền nhưng bổ dưỡng. Trong loại quả này có chứa ít calori nhưng giàu protein, glucid, chất xơ, chất sắt, canxi và nhiều loại vitamin A, B, C… Chất canxi trong đậu rồng được đánh giá cao hơn đậu nành lẫn đậu phộng và hàm lượng protein có thể thay thế các loại thịt động vật. Đó là lý do vì sao mà những người ăn chay thường ưa sử dụng đậu rồng trong bữa cơm hằng ngày.

Giòn ngọt đậu rồng - 2

Hàm lượng chất xơ trong quả đậu rồng rất cao, giúp cải thiện chức năng của đại tràng, chống táo bón, ngăn ngừa béo phì

Đậu rồng có thể kết hợp được với nhiều nguyên liệu khác nhau. Thường thì các bà nội trợ sẽ lấy đậu rồng tước xơ, xắt lát rồi xào chung với thịt bò, tôm, thịt heo hoặc để sống ăn kèm mắm tép chua, mắm kho, mắm chưng hay nấu canh, làm salad, gỏi… Hàm lượng chất xơ trong quả đậu rồng rất cao, giúp cải thiện chức năng của đại tràng, chống táo bón, ngăn ngừa béo phì, đái tháo đường… Bên cạnh đó, các vitamin A, C, E trong đậu rồng sẽ tăng cường độ sáng khỏe cho da và mắt.

Ngoài phần quả, hạt thì hoa và phần lá non của đậu rồng cũng được sử dụng như một loại rau, dùng để xào, luộc hay nấu canh ăn kèm với cơm rất ngon. Ở nhiều nơi, hoa đậu rồng sẽ được dùng để làm màu thực phẩm cho các món cơm hay các loại bánh rất đẹp mắt.

Tuy có mùi vị thơm ngon, dễ chế biến thành nhiều món ăn tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ lẫn người lớn nhưng trong đậu rồng có chứa hàm lượng purin, vì thế không nên ăn đậu rồng nhiều và thường xuyên sẽ dễ bị đầy bụng, chướng hơi. Những ai mắc bệnh gout, đau nửa đầu cũng nên hạn chế loại thực phẩm này.

Đậu rồng xào thịt ba rọi

Giòn ngọt đậu rồng - 3

Nguyên liệu:

Thịt ba rọi: 100g
Đậu rồng: 300g
Nấm rơm: 100g
50g bắp non, 1 củ hành tây, 1 trái ớt, 5 tép tỏi.
Gia vị: Tương ớt, nước tương, muối, hạt nêm, tiêu xay, bột ngọt, dầu ăn.

Cách làm:

Thịt ba rọi rửa sạch, để ráo nước, thái thành lát mỏng. Ướp thịt với một ít hạt nêm, để thấm 10 phút.

Đậu rồng tước bỏ xơ, rửa sạch với nước muối, thái lát xéo. Nấm rơm cắt bỏ chân, rửa sạch, xắt làm đôi. Bắp non cắt gốc, rửa sạch. Hành tây lột vỏ lụa, xắt múi cau. Ớt sừng bỏ hạt, xắt sợi. Tỏi lột vỏ, đập giập.

Làm nóng chảo với một ít dầu ăn, phi thơm ½ tỏi, cho ít thịt đã ướp gia vị vào xào nhanh tay trên lửa vừa cho thịt săn lại. Cho nước tương, tương ớt vào xóc đều cho thịt thấm gia vị, trút thịt ra đĩa.

Dùng lại chảo, châm thêm dầu ăn, phi thơm tỏi đập giập còn lại, cho lần lượt bắp non, nấm rơm vào xào khoảng 3 phút, nêm nếm hạt nêm, tiêu xay, bột ngọt cho vừa ăn, trút thịt ba rọi, hành tây, đậu rồng, ớt vào xào chung. Xào thêm khoảng 1-2 phút nữa là được, tắt bếp.

Bày thịt xào rau củ vào đĩa, dùng kèm với cơm trắng.

Gỏi đậu rồng

Giòn ngọt đậu rồng - 4

Nguyên liệu:

Tôm sú tươi: 250g
Đậu rồng: 150g
Khổ qua lớn: 1 trái
50g cà rốt, 1 trái ớt sừng; Mè trắng, hành tím phi, hạt nêm, tiêu, dầu ăn.
Nước trộn: 1 thìa súp nước mắm, 2 thìa súp nước cốt chanh, 2 thìa súp đường, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thài cà phê ớt băm, khuấy tan đều.

Cách làm:

Tôm sú rửa sạch, bóc nõn vỏ, chừa đuôi, chẻ sống lưng, lấy chỉ đên. Ướp tôm với một ít hạt nêm, tiêu để thấm.

Đậu rồng tước xơ, ngâm nước muối, thái lát xéo, trụng qua nước sôi. Khổ qua bỏ ruột, xắt lát, ướp với đá trước khoảng 15 phút cho giòn, bớt đắng. Cà rốt gọt vỏ, bào sợi chỉ, ớt sừng bỏ hạt, xắt sợi. Mè trắng rang vàng.

Làm nóng chảo với một ít dầu ăn, cho tôm vào áp chảo cho cho vàng mặt, lấy ra cho vào đĩa.

Cho đậu rồng, tôm, khổ qua, đầu hành, cà rốt, ớt sừng vào đĩa, chan nước trộn lên, khi ăn cho hành tím phi, mè rang vào, trộn đều lần nữa. Dùng ngay.

Canh chua đậu rồng

Giòn ngọt đậu rồng - 5

Nguyên liệu:

Cá lóc: 3 khoanh
Đậu rồng: 150g
Me chín: 50g
¼ miếng thơm, 1 trái cà chua lớn, 1 trái ớt, 2 củ hành tím, rau om, ngò gai.
Gia vị: Muối, hạt nêm, nước mắm ngon, đường.

Cách làm:

Cá lóc rửa sạch, ướp với một ít muối, hạt nêm, để thấm.

Đậu rồng tước xơ, thái lát xéo, me chín cho vào ½ chén nước, giằm cho ra nước cốt, lược bỏ hạt. Thơm thái miếng hơi dày. Cà chua thái múi. Ớt xắt lát. Hành tím lột vỏ lụa, xắt làm đôi. Rau om, ngò gai thái nhỏ.

Đun sôi 700ml nước, cho nước cốt me, thơm vào, đun sôi, vớt bỏ bọt. Cho cá vào nấu khoảng 5-7 phút, khi cá chín, vớt cá cho vào tô. Cho cà chua. Hành tím, đậu rồng vào, nêm nước mắm, hạt nêm, đường vừa ăn, tắt bếp.

Múc canh vào tô, dùng kèm với cơm, chấm nước mắm cay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Món ngon Việt Nam
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN