Cá lóc nướng trui thơm sực nức lôi cuốn

Món cá lóc nướng trui thơm lừng, gỡ bỏ lớp vỏ ngoài là lớp thịt trắng phau, khi ăn có vị ngọt tự nhiên rất hảo miệng càng khiến nhiều người thấy thú vị hơn khi hiểu rõ về nguồn gốc ra đời của nó.

Quê mẹ ở Gò Công, quê ba ở miền Trung nhưng tôi lớn lên phần nhiều ở Sài Gòn. Từ nhỏ, tôi có dịp đi đây đó rồi mẹ truyền cho cái gen làm bếp vì thế mà ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã định hướng cho mình những bước đi rõ ràng. Tôi chọn con đường làm ẩm thực để thỏa cái sở thích được khám phá những nét tiêu biểu của nó. Có lẽ vì thế mà với tôi ẩm thực là “kho báu”. “Kho báu” ấy tôi muốn được chia sẻ cho tất cả mọi người chứ không để dành cho riêng mình.

Trong một lần về quê ngoại miền Tây, tôi được môt người cậu kể về sự tích các món ăn, nguồn gốc ra đời các tên gọi. Như trúng vào “cái huyệt” của mình, tôi nghe mà như nuốt từng lời, mê mải góp nhặt từng chi tiết một để khi trở lại thành phố, ngồi tỉ tê với bạn bè, đồng nghiệp, tôi lại có dịp chia sẻ lại với họ.

Cá lóc nướng trui thơm sực nức lôi cuốn - 1

Ai từng về miền Tây, từng nếm qua món cá lóc nướng trui thơm lừng, độc đáo thì cũng đừng quên hỏi người dân nơi đó tại sao món ăn có tên gọi là cá lóc nướng trui. Theo lời cậu tôi, những lớp người đầu tiên tới đây khai hoang, cuộc sống của họ vất vả lắm. Mâm cơm thường ngày chỉ là những nguyên liệu đạm bạc từ tự nhiên. Nhiều khi ra đồng, đang làm ruộng bắt được mớ tôm, mớ tép hay vài ba con cá lóc đồng là xem như ngày đó may mắn rồi. Khi bắt được cá, người ta để nguyên, không cạo vảy, không làm sạch nhớt cá, không mổ bụng, mà cũng chẳng kiếm đâu ra gia vị mà tẩm ướp trước. Nhưng nếu không làm thì cá để trên cạn, đến trưa về cá sẽ chết hoặc bị ươn đi, khi ăn không còn ngon nữa. Nghĩ vậy, mọi người bèn rửa cá qua nước sông, lấy cái cây dài xiên từ bụng qua miệng, sau đó vùi cá vào đống rơm khô hoặc cắm que xuống đất phủ rơm lên trên rồi châm lửa đốt. Khi lửa tàn là cá cũng vừa chín tới, chỉ cần cạo lớp vỏ đã cháy sém bên ngoài thì có thể bắt đầu ăn được. Thịt cá nướng trắng phau, mùi thơm sực nức lôi cuốn vô cùng. Với những con cá to thì phải vạch miệng cá đổ nước vào cho đầy dạ dầy rồi mới mang đi nướng. Nhờ có nước trong bụng nên khi gặp sự tác động nhiệt ở bên ngoài, nước bên trong bụng cá sẽ sôi lên, phần thịt bên trong vì thế cũng chín đều.

Cá lóc nướng trui thơm sực nức lôi cuốn - 2

Theo lời của người dân nơi đây, cá muốn ngon phải được nướng bằng rơm khô như thế thịt cá mới thơm và không bị hôi khói. Cá nướng xong, gỡ phần thịt màu trắng, chấm thêm chút muối ớt, mà phải là muối hột thì mới cảm nhận được hết cái ngon, vị thơm của món ăn này. Cái tên cá nướng trui ra đời cũng vì thế.

Ngày nay, khi món ăn được phổ biến, đời sống thêm phát triển, người ta có nhiều điều kiện hơn, món cá lóc nướng trui càng phổ biến trong bữa cơm gia đình, trong bữa tiệc, tại các nhà hàng. Cá được thực hiện cầu kỳ hơn trên than hồng, trong lò vi sóng. Món cá khác trước vì có thêm chút mỡ hành, thịt dùng cuốn với bánh tráng, rau sống rồi ăn kèm nước mắm me cũng khá là ngon miệng. Tuy có sự thay đổi, tiếp biến nhưng với những người sành ăn thì cá lóc nướng trui ngoài đồng ruộng vẫn có mùi vị, màu sắc và sức hấp dẫn đặc biệt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Thị Sương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN